Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Venezuela càng thêm gay gắt khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro thúc đẩy cuộc điều tra có thể dẫn đến việc bắt giữ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Hiện ông Maduro vẫn từ chối tổ chức bầu cử sớm.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không đồng ý tổ chức bầu cử sớm. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, Tòa án Tối cao Venezuela ra lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng và cấm Chủ tịch Quốc hội - thủ lĩnh đối lập Juan Guaido xuất cảnh nhằm đáp trả việc Nhà Trắng trừng phạt Venezuela bằng cách đóng băng các tài sản của Tập đoàn dầu khí quốc doanh (PDVSA) của quốc gia này tại Mỹ. Biện pháp trừng phạt này hướng đến mục tiêu bóp nghẹt doanh thu từ dầu mỏ của Venezuela và gia tăng sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. PDVSA mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho Venezuela, hiện sở hữu công ty lọc dầu Citgo Petroleum tại Mỹ. PDVSA đang xem xét các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt.
Công bố lệnh điều tra, cấm xuất cảnh và hạn chế tài chính đối với ông Guaido, Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno - đồng minh của Tổng thống Maduro nói rằng, quyết định này nhằm “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ”. Ông Guaido bị cấm rời khỏi Venezuela cho đến khi kết thúc cuộc điều tra sơ bộ, được tiến hành theo đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Tarek William vì cho rằng vị chính trị gia này đã giúp thế lực nước ngoài can thiệp vào vấn đề nội bộ của quốc gia Nam Mỹ.
Chủ tịch Quốc hội 35 tuổi Guaido trước đó tự xưng là “Tổng thống lâm thời” của Venezuela và được Mỹ cùng nhiều quốc gia Mỹ Latinh công nhận, tạo thách thức lớn đối với quyền lực của Tổng thống đương nhiệm Maduro, người vừa tái đắc cử hồi tháng 5-2018. Ông Guaido muốn tổ chức bầu cử lại và cáo buộc kết quả bầu cử năm ngoái có sự gian lận.
Ngày 30-1, Tổng thống Maduro vẫn bác bỏ việc bầu cử sớm bởi cuộc bầu cử 10 tháng trước đã đúng theo tất cả quy tắc hợp pháp và hợp hiến. “Cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela đã diễn ra, và nếu muốn tiến hành bầu cử mới thì phải chờ đến năm 2025”, ông Maduro nói. Song, trả lời phỏng vấn hãng RIA Novosti của Nga, nhà lãnh đạo cánh tả bày tỏ sự ủng hộ bầu cử Quốc hội trước thời hạn; đồng thời chỉ trích thủ lĩnh đối lập Guaido đang kích động một cuộc đảo chính do Mỹ đạo diễn nhằm lật đổ ông và kiên quyết không từ chức.
Phát biểu với hãng RIA Novosti ngày 30-1, Tổng thống Maduro khẳng định “sẵn sàng ngồi vào bàn nghị sự cùng phe đối lập vì hòa bình và tương lai của Venezuela”. Không những thế, ông còn đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin trợ giúp về chính trị, ngoại giao và tuyên bố hợp tác dầu khí giữa Venezuela với Moscow không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ. Nga đã rót vào Venezuela hàng tỷ USD mỗi năm bằng hình thức cho vay và đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ, vũ khí. Sau khi ông Guaido tự xưng là “Tổng thống lâm thời”, Nga là một trong các quốc gia đầu tiên tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Tổng thống Maduro và đề xuất làm trung gian đối thoại giữa chính phủ với phe đối lập tại Venezuela.
Theo giới quan sát, cuộc điều tra do chính phủ của Tổng thống Maduro tiến hành có thể dẫn đến việc bắt giữ ông Guaido và làm chính trường Venezuela thêm dậy sóng. Trong lúc đó, vị thủ lĩnh đối lập kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình mới trên đường phố và một cuộc biểu tình quy mô lớn vào cuối tuần này nhằm gia tăng áp lực với ông Maduro. Ông Guaido nói rằng, những gì diễn ra trong ngày 30-1 không phải là sự kiện tuần hành lớn, chỉ là hàng loạt cuộc tập trung đông người với quy mô nhỏ. Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng tham dự các cuộc tuần hành lớn do các đồng minh của Tổng thống đương nhiệm dẫn đầu.
Ngày 30-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi phe đối lập ở Venezuela loại bỏ mọi điều kiện tiên quyết và khởi động đối thoại với Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro. Ông Lavrov nói rằng, bất kỳ sự hòa giải quốc tế nào trong những cuộc đối thoại như vậy cần công bằng và có sự tham gia của nhiều nước.
|
BÌNH YÊN