Chính trường Thái Lan đang nóng

.

Tin đồn đảo chính, đảng Thai Raksa Chart đối mặt nguy cơ bị giải thể, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên thủ tướng diễn ra… khiến chính trường Thái Lan càng thêm nóng trước thềm tổng tuyển cử vào ngày 24-3 tới.

Chủ tịch đảng Thai Raksa Chart, ông Preechaphol Pongpanit phát biểu với báo giới tại thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP
Chủ tịch đảng Thai Raksa Chart, ông Preechaphol Pongpanit phát biểu với báo giới tại thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP

Ngày 14-2, Chỉ huy lục quân Thái Lan, Tướng Apirat Kongsompong, tiếp tục bác bỏ tin đồn đảo chính, đồng thời kêu gọi lực lượng vũ trang trung lập về chính trị khi gần đến thời điểm tổng tuyển cử. Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng xem xét việc giải thể đảng Thai Raksa Chart - đảng đã gây chấn động bằng việc giới thiệu Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi, chị của Nhà vua Maha Vajirusongkorn, làm ứng viên duy nhất của đảng này tranh cử chức thủ tướng. Động thái của Thai Raksa Chart - đảng có các thành viên thân với cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra - chưa có tiền lệ kể từ khi Thái Lan thiết lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932, phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của Hoàng gia. Những lùm xùm trong vụ việc này có thể hủy hoại chiến lược trở lại chính trường của gia tộc Shinawatra.

Ủy ban Bầu cử (EC) cho rằng, việc để thành viên Hoàng gia tham gia chính trường là vi hiến, có thể khiến Thai Raksa Chart bị xóa sổ và các thành viên lãnh đạo đảng thậm chí bị cấm hoạt động chính trị trong 10 năm. EC đã chuyển việc xem xét giải thể Thai Raksa Chart lên Tòa án Hiến pháp. “Chúng tôi cảm thấy vụ việc được giải quyết một cách bất thường”, hãng AFP dẫn lời bà Chayika Wongnapachant, cháu của ông Thaksin nói. Bà Chayika cho rằng, nếu không có sự hiện diện Thai Raksa Chart, khó đảng nào giành đa số ghế trong Quốc hội trong bối cảnh Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc trong 5 năm chính phủ quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha điều hành đất nước.

Ông Prayuth được xem là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Thủ tướng bởi đảng của ông có sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội và Hoàng gia. Ông Prayuth được đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhân dân của nhà nước) đề cử. Hiện ông giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) nên có thể sử dụng quyền tối cao của Điều 44 Hiến pháp để ra mọi quyết định về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Song, nếu muốn có đủ hơn 376/750 ghế tại Quốc hội, ngoài 250 ghế Thượng viện do Thủ tướng Prayuth chỉ định, đảng Palang Pracharat cần có tối thiểu 126 ghế Hạ viện để bầu thủ tướng và điều này khó xảy ra. Vị Thủ tướng đương nhiệm Prayuth bị cấm đi vận động phiếu bầu để tập trung cho công việc. Các đảng cho rằng, ông Prayuth nên tham gia các cuộc tranh luận với những ứng viên khác để trình bày về quan điểm trước công chúng.

Tham gia tổng tuyển cử còn có đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Ông Abhisit là ứng cử viên thủ tướng duy nhất của đảng trong cuộc bầu cử lần này.

Cũng theo AFP, kể từ năm 2001, các đảng liên quan đến ông Thaksin đều giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử nhưng các chính phủ vướng 2 cuộc đảo chính và hàng loạt vụ kiện ở tòa án. Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và em gái ông - Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ trong vụ việc tương tự năm 2014. Cả hai hiện sống ở nước ngoài để tránh các mức án mà họ cho là mang động cơ chính trị.

Giáo sư khoa học chính trị Titipol Phakdeewanich tại Đại học Ubon Ratchathani nhận định, hành động chống lại đảng Thai Raksa Chart có thể gia tăng sức mạnh cho cả bên thân lẫn bên chống ông Thaksin. “Cơ sở” của cựu Thủ tướng Thaksin sẽ được tiếp thêm sức mạnh bởi họ nhận thức rằng, đảng của mình đang đối mặt với “cuộc đàn áp” bất công, trong khi những người theo phe Hoàng gia có thể bị tác động để tiếp tục chống lại ông. Song, nếu Thai Raksa Chart bị giải thể, phe của ông Thaksin chắc chắn mất nhiều ghế cần thiết trong Quốc hội.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.