"Cuộc chiến" tường biên giới chờ Tổng thống Mỹ

.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với các vụ kiện và sự chống đối trong Quốc hội sau khi ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền xây tường ở biên giới phía nam với Mexico.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhiều thách thức về pháp lý khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. 	 Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhiều thách thức về pháp lý khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: AP

Public Citizen là tổ chức đầu tiên đệ đơn kiện nhằm ngăn Tổng thống Donald Trump sử dụng khoản ngân sách liên bang 8 tỷ USD cho việc xây dựng tường biên giới, nhiều hơn khoản tiền 5,7 tỷ USD mà nhà lãnh đạo này yêu cầu để bảo vệ đất nước khỏi ma túy, tội phạm và làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Public Citizen cho rằng, tuyên bố của ông Trump không phải là hành động ứng phó tình huống khẩn cấp mà phản ánh bất đồng âm ỉ giữa Tổng thống và Quốc hội về vấn đề xây tường biên giới. Song, thực chất đây là sự khởi đầu cho một cuộc chiến pháp lý mới bởi hàng loạt tổ chức và quan chức đã cam kết phát động chiến dịch nhằm vào Tổng thống Trump. 3 chủ đất ở bang Texas cũng đệ đơn kiện nhà lãnh đạo nước Mỹ với cáo buộc bức tường biên giới xâm phạm quyền sở hữu đất của họ.

Luật ngân sách được lưỡng đảng thông qua rót 1,37 tỷ USD để thiết lập hàng rào khoảng 90km dọc biên giới phía nam. Ngoài ra, với tình trạng khẩn cấp quốc gia (theo các điều khoản của đạo luật Các tình huống khẩn cấp quốc gia năm 1976), ông Trump có quyền đặc biệt trong việc rút tiền từ ngân quỹ của các bộ phận khác trong chính phủ để có 8 tỷ USD xây tường biên giới. Cụ thể, ông Trump sẽ sử dụng 600 triệu USD từ quỹ tịch thu ma túy của Bộ Tài chính; 2,5 tỷ USD từ chương trình can thiệp ma túy của Bộ Quốc phòng và 3,6 tỷ USD từ ngân sách xây dựng quân đội.

Đảng Dân chủ và thống đốc, tổng chưởng lý các bang cũng tuyên bố sẽ đưa Tổng thống Trump ra tòa vì lạm quyền. Đảng Dân chủ tại Hạ viện có thể thông qua nghị quyết phản đối tình trạng khẩn cấp. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện sau đó kêu gọi bỏ phiếu về nghị quyết này trong lúc nhiều dấu hiệu cho thấy một số nghị sĩ Cộng hòa sẽ đứng về phe Dân chủ. Điều đó buộc Tổng thống Trump phải tìm cách vận động đảng của mình chống lại nghị quyết. Theo hãng tin Bloomberg, trong trường hợp xấu nhất, ông Trump phải dùng đến quyền phủ quyết nghị quyết mà phe Dân chủ đưa ra. Nếu số lượng lớn các thành viên đảng Cộng hòa cũng phản đối cách dùng tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây tường biên giới và cáo buộc Tổng thống lạm quyền, ông Trump đương nhiên sẽ gặp khó. Với sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ, tình trạng khẩn cấp sẽ bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra vì đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.

Các nhóm tiến bộ dự kiến tổ chức các cuộc biểu tình cùng lúc trên khắp nước Mỹ vào ngày 18-2 (Ngày Tổng thống), từ New York, Bắc Dakota đến California, Texas; đồng thời thúc giục Quốc hội bác bỏ tuyên bố của ông Trump. Các nhóm như MoveOn cho hay, hơn 175 cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở 41 bang.
Thượng nghị sĩ Lamar Alexander của đảng Cộng hòa cho rằng, ban bố tình trạng khẩn cấp là “không cần thiết, không khôn ngoan và không phù hợp với Hiến pháp Mỹ”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis của bang Bắc Carolina lo ngại nguy cơ tạo ra tiền lệ cho các tổng thống tương lai sử dụng khi muốn “vượt qua” Quốc hội.

Theo luật pháp Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng phải quyết định bức tường có cần thiết về mặt quân sự hay không trước khi Tổng thống huy động tiền từ ngân sách xây dựng quân đội. Song, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nói rằng, từ ngày 17-2, ông mới bắt đầu xem xét vấn đề này.
Trước mắt, trong cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện và tại tòa án, ông Trump phải chứng minh vấn đề biên giới thực sự là khủng hoảng quốc gia hay không, trong khi số liệu của cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ năm 2017 cho thấy, các vụ vi phạm bị bắt giữ do vượt biên đạt mức thấp kỷ lục trong 46 năm.

Ông Trump lập luận, xây tường “không phải vì lời hứa tranh cử”, mà vì khủng hoảng an ninh tại biên giới với Mexico. Tuy nhiên, báo New York Times cho rằng, dòng người nhập cư ở biên giới phía nam không tạo ra khủng hoảng an ninh quốc gia. Báo USA Today nhận định: “Biên giới phía nam của chúng ta không đối mặt với tình trạng khẩn cấp, mà các thể chế dân chủ đối mặt với điều này. Không tổng thống nào được dùng quyền khẩn cấp đơn giản chỉ vì họ không có được những gì họ muốn thông qua tiến trình chính trị bình thường”.

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.