Mỹ kỳ vọng hội nghị về tương lai hòa bình và an ninh Trung Đông diễn ra ở thủ đô Warsaw của Ba Lan ngày 13 và 14-2 là dịp để gia tăng áp lực đối với Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.
Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz (trái) chào đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Warsaw. Ảnh: EPA-EFE |
Theo Reuters, việc các ngoại trưởng một số cường quốc châu Âu như Đức và Pháp vắng mặt tại hội nghị cho thấy căng thẳng giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) chung quanh quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và áp đặt trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nga cũng không tham dự hội nghị. Ngoài ra, Cao ủy về chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini - một trong những nhân vật quan trọng liên quan JCPOA - không hiện diện tại Warsaw. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mike Pence đến Warsaw để cùng chính phủ Ba Lan chủ trì sự kiện này. Ông Pompeo nói: “Một số nước có ngoại trưởng tham dự. Một số nước vắng mặt. Đó là sự lựa chọn của họ”. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt là nhà ngoại giao cấp cao duy nhất của một cường quốc châu Âu đến Warsaw.
Hãng AP cũng cho rằng, Mỹ và Ba Lan bảo trợ cho hội nghị nói trên với tuyên bố thúc đẩy hòa bình và an ninh ở khu vực nhưng dường như mục tiêu là tập trung cô lập Iran. Một quan chức Mỹ xác nhận sẽ có những cuộc thảo luận về ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Tuy nhiên, Ba Lan nhấn mạnh, Warsaw sẽ tham gia cùng EU trong việc ủng hộ JCPOA mặc dù quốc gia này muốn lấy lòng Mỹ để thúc đẩy mối quan hệ song phương. Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nói rằng, hội nghị Warsaw nên khơi mào cho tiến trình hướng đến sự ổn định ở Trung Đông.
Năm ngoái, Tổng thống Trump gây “bão” khi tuyên bố rút khỏi JCPOA, vốn được Iran ký với nhóm cường quốc P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), gọi đây là thỏa thuận “khủng khiếp”, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của Tehran, cụ thể là phong tỏa ngành dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran đã dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trừ khi các cường quốc châu Âu không để Tehran hưởng những lợi ích về kinh tế. Một số nước như Đức, Pháp, Anh hiện vẫn mở kênh giao dịch mới không sử dụng đồng đô-la với Iran nhằm “lách” lệnh trừng phạt của Mỹ và duy trì thỏa thuận. Song, một số công ty của châu Âu do lo ngại lệnh trừng phạt và sức ảnh hưởng quá lớn của Washington nên đã ngừng giao dịch với Tehran.
Về phía Israel, Thủ tướng nước này - ông Benjamin Netanyahu đến Warsaw với mong muốn ủng hộ quan điểm cứng rắn của Mỹ chống lại Iran. Ông xác nhận Iran là vấn đề chính trong chương trình nghị sự nhằm “ngăn chặn sự gây hấn của Iran ở khu vực và trên hết là ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân”. Nhà lãnh đạo Netanyahu dự kiến có bài phát biểu gay gắt về Iran - quốc gia vốn bác bỏ sự tồn tại của Israel. Thủ tướng Netanyahu từng cam kết tiếp tục tấn công lực lượng Iran nếu họ không rời Syria, đồng thời ông không loại trừ khả năng tấn công quân sự nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Tehran.
Ngoài chính phủ của Tổng thống Trump, Israel và các đối thủ Arab của Iran như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, hầu hết các nước khác vẫn ủng hộ JCPOA. Ông Ned Price, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, hội nghị Warsaw chỉ cho thấy tính đơn độc của chính phủ Trump bởi các đồng minh châu Âu của Washington không muốn tham gia “cuộc tuần hành chống Iran”. “Mỹ thiếu các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ một chiến lược như vậy”, ông Price nói.
Không được mời tham dự hội nghị về tương lai hòa bình và an ninh ở Trung Đông, Iran đã triệu Đại sứ Ba Lan ở thủ đô Tehran để bày tỏ phản đối. Trong một động thái ngoại giao khác, Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ đến Nga để tham dự một hội nghị do Mỹ dẫn đầu. Theo đó, tại thành phố Sochi của Nga, trên bờ Biển Đen, ông Rouhani sẽ có cuộc gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để bàn thảo vấn đề Syria. |
PHÚC NGUYÊN