Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm GDP của Mỹ thiệt hại gần 8 tỷ USD trong năm 2018. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc ước tính chỉ đạt khoảng 6,4% trong năm 2019.
Nông dân làm việc trên cánh đồng ở thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã |
Cách đây đúng một năm, Tổng thống Donald Trump áp thuế nhôm và thép - chủ yếu từ Trung Quốc nhập vào Mỹ lên 10% và 25% để trừng phạt Bắc Kinh. Ngay sau đó, Washington có hàng loạt động thái như tiếp tục áp thuế đối với nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc lên tới 100 tỷ USD và để ngỏ khả năng áp thêm thuế trị giá hơn 250 tỷ USD.
Cuộc đối đầu “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên gay gắt, không những tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu mà ngay cả hai quốc gia trong cuộc cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên và cấp cao cho thấy, Trung Quốc đã có những nhượng bộ đáng kể. Song, Mỹ chưa hài lòng. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, hai nước có thể hoàn tất tiến trình đàm phán thương mại trong vài tuần tới nhưng không bảo đảm thương lượng thành công. Tổng thống Trump cũng không vội vàng trong việc đàm phán bởi ông muốn “thỏa thuận phải hợp lý” - một thỏa thuận tốt đẹp đối với cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Thực tế, căng thẳng thương mại tác động mạnh mẽ đến kinh tế Mỹ. Các số liệu cho thấy, nhập siêu của Mỹ với toàn thế giới trong năm 2018 tăng 12,5% so với năm 2017. Theo thẩm định của Bộ Thương mại Mỹ, đây là mức “tệ nhất” trong 10 năm qua. Riêng với bạn hàng Trung Quốc, nhập siêu từ 375 tỷ USD năm 2017 tăng lên 419 tỷ trong năm 2018.
Còn về chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) có lợi cho dân Mỹ hay không, một nghiên cứu do chi nhánh Ngân hàng Trung ương Mỹ tại New York cùng hai trường đại học Princeton và Columbia đồng thực hiện đưa ra kết luận: “Kinh tế và người tiêu dùng Mỹ bị thiệt”, đánh thuế hàng của Trung Quốc không cho phép chính phủ thu về thêm hàng tỷ USD.
Theo nhóm tác giả nghiên cứu thuộc Đại học California-Berkeley, Đại học Columbia, Đại học Yale và Đại học California, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ sang các nước bị tăng thuế giảm 31,5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia này giảm 11%. Thiệt hại của việc tiêu dùng và sản xuất tại Mỹ cũng lên tới 68,8 tỷ USD vì thuế nhập khẩu tăng cao. Sau khi tính toán đầy đủ phần thu ngân sách nhờ tăng thuế và doanh thu của các công ty Mỹ từ việc tăng giá, tổng thiệt hại là 7,8 tỷ USD, tương đương 0,04% tổng GDP.
Đối với Trung Quốc, tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ không nhỏ. Ngày 8-3 vừa qua, dự luật về đầu tư nước ngoài được kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 13 Trung Quốc thông qua, theo đó khẳng định Nhà nước sẽ “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại quốc”, “cấm mọi hành vi áp đặt chuyển giao công nghệ”, “các nhà đầu tư ngoại quốc và Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng”. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phác họa bức tranh kinh tế khá ảm đạm: tăng trưởng năm 2019 không vượt quá 6,4%, tức tệ hơn so với dự báo kém cỏi của năm 2018. Ngoài ra, Trung Quốc đề ra một loạt biện pháp kích cầu: thông báo giảm thuế trị giá gia tăng từ 16% còn 13%; giảm 2.000 tỷ nhân dân tệ thuế cho tư nhân và doanh nghiệp.
Xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu gặp khó khăn. Vì vậy, Bắc Kinh phải xoay trục tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, lấy tiêu thụ nội địa làm chủ lực.
Song, giáo sư kinh tế Jean-François Di Meglio (Trường Khoa học chính trị Paris, Pháp) ghi nhận Bắc Kinh đang tìm đủ mọi cách để bảo đảm tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu bị chững lại, còn tiêu thụ nội địa thì chưa đủ sức để “xoay trục mô hình kinh tế”.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại “tốt cho cả hai” như Tổng thống Trump mong muốn quả không dễ, bởi những toan tính của đôi bên vẫn còn nhiều khác biệt. Đây thực sự là bài toán khá hóc búa mà Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm trong vòng đàm phán dự kiến vào tuần này.
TUYẾT MINH