Xả súng kinh hoàng, 49 người chết: "Ngày đen tối nhất" của New Zealand

.

Ít nhất 49 người chết và 20 người khác bị thương nặng trong 2 vụ xả súng xảy ra tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand ngày 15-3. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gọi đây là vụ tấn công khủng bố và nâng báo động an ninh quốc gia lên mức cao nhất. 

Những người bị thương ở đền thờ Hồi giáo Masjid Al Noor, trung tâm thành phố Christchurch, được đưa đi cấp cứu. 										Ảnh: AP
Những người bị thương ở đền thờ Hồi giáo Masjid Al Noor, trung tâm thành phố Christchurch, được đưa đi cấp cứu. Ảnh: AP

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 15-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng, hai vụ xả súng kinh hoàng này là hành động tấn công khủng bố được lên kế hoạch kỹ lưỡng và là hành động bạo lực chưa từng có. “Đây là một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand”, bà Ardern nói. Theo nhà lãnh đạo này, nhiều nạn nhân có thể là người nhập cư hoặc người tị nạn. Báo động an ninh quốc gia được nâng lên mức cao nhất.

Một nghi phạm là người gốc Úc

Hãng AFP cho biết, hai kẻ tấn công xả súng vào đền thờ Hồi giáo Masjid Al Noor ở trung tâm Christchurch và đền thờ Linwood Masjid ở ngoại ô Christchurch trong lễ cầu nguyện buổi chiều. Cảnh sát đã bắt giữ 3 người đàn ông và 1 phụ nữ bị tình nghi liên quan vụ việc nhưng phóng thích 1 người sau đó. Lực lượng an ninh cũng vô hiệu hóa các thiết bị nổ gài trên xe của các nghi phạm. Theo Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush, một đối tượng nam đã bị buộc tội giết người và sẽ ra tòa vào sáng 16-3. Các đối tượng tấn công đều không có trong danh sách theo dõi của cảnh sát. Hãng hàng không quốc gia Air New Zealand đã hoãn ít nhất 17 chuyến bay đi và đến thành phố Christchurch.

Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận, một trong số những nghi phạm bị bắt là người gốc Úc, y là phần tử cực đoan quá khích theo đường lối cánh hữu và ủng hộ khủng bố. Tay súng người Úc tên Brenton Tarrant (28 tuổi) tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc và tung một bản tuyên truyền cực đoan trên trang Twitter nêu rõ rằng, y thực hiện vụ tấn công nhằm chống người nhập cư, đồng thời phát trực tiếp hình ảnh vụ việc trên Facebook (livestream). Tarrant cho biết, y không thuộc tổ chức nào, đến New Zealand chỉ để lên kế hoạch vụ tấn công và hành động một mình. Theo Tarrant, đền thờ thứ ba nằm trong mục tiêu tấn công sẽ là thánh đường ở thị trấn Ashburton nếu y đến nơi đây. Cảnh sát đã yêu cầu người dùng mạng xã hội không chia sẻ các video bạo lực này. Các thánh đường Hồi giáo trên khắp New Zealand cũng đóng cửa.

Các vụ xả súng hàng loạt ở New Zealand rất hiếm khi xảy ra. Trong lịch sử hiện đại, đất nước tây nam Thái Bình Dương này từng chấn động vì vụ xả súng đẫm máu nhất ở thị trấn nhỏ Aramoana vào năm 1990. Lúc đó, tay súng David Gray đã bắn chết 13 người. Trong vụ việc vừa xảy ra, Thủ tướng Ardern nói rằng, New Zealand trở thành mục tiêu tấn công vì nước này là điển hình của đa dạng văn hóa và tinh thần chấp nhận sự khác biệt. “Chúng ta tự hào với 200 dân tộc và 160 ngôn ngữ... Chúng ta lên án mạnh mẽ nhất đức tin của những kẻ gây ra vụ này”, nữ Thủ tướng nhấn mạnh.

Thế giới phẫn nộ

Các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Indonesia, Pakistan… bày tỏ phẫn nộ và cho rằng “nỗi sợ Hồi giáo” (Islamophobia) chính là căn nguyên của những cuộc tấn công. Trong một tuyên bố, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi đây là “vụ giết người hàng loạt” nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo và cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm nhiều thảm họa khác nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Theo ông, vụ việc lần này là minh chứng cho thấy “sự gia tăng của nỗi sợ Hồi giáo và phân biệt chủng tộc”. “Tôi kêu gọi thế giới, nhất là phương Tây, phải nhanh chóng đưa ra giải pháp”, ông Erdogan nói.

Hãng AP dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bày tỏ hy vọng New Zealand sẽ bắt giữ những kẻ khủng bố và thực hiện những gì cần thiết theo luật pháp của nước này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nhà lãnh đạo của đất nước có người Hồi giáo đông nhất thế giới, cũng chỉ trích mạnh mẽ kiểu hành động bạo lực như thế.

Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, khi vụ việc xảy ra, có 6 công dân quốc gia Đông Nam Á này tại đền thờ Masjid Al Noor nhưng 3 người đã thoát được. Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận có 330 công dân ở Christchurch, trong đó có 130 sinh viên. Đại sứ quán Indonesia tại Wellington cử một nhóm quan chức đến Christchurch phối hợp với các nhà chức trách sở tại để điều tra.

Tại Úc, cảnh sát ở New South Wales gia tăng tuần tra xung quanh các khu vực đền thờ nhưng dường như không có mối đe dọa đặc biệt nào. Thủ tướng Scott Morrison yêu cầu treo cờ rủ để tưởng niệm những người thiệt mạng. “New Zealand cũng như Úc, là nhà của các tín ngưỡng, văn hóa. Không quốc gia nào trong chúng tôi khoan dung cho hành động khủng bố, bạo lực cực đoan”, ông Morrison nói.
Trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vụ tấn công ở Christchurch là “vụ thảm sát kinh hoàng” và nhấn mạnh Washington sát cánh với New Zealand để “làm bất kỳ điều gì có thể”.

An ninh cũng được thắt chặt ở nhiều quốc gia châu Âu. Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ đồng cảm sâu sắc và chia sẻ với những nạn nhân. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chia buồn với New Zealand, đồng thời khẳng định Berlin và Paris luôn sát cánh cùng New Zealand chống lại những hành động khủng bố. Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ tấn công nhằm vào những người dân thường ở New Zealand là “đặc biệt tàn bạo và bất cần đạo lý”.

New Zealand là quốc gia chào đón những người nhập cư và tị nạn. Năm ngoái, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố sẽ nâng mức tiếp nhận người tị nạn hằng năm từ 1.000 lên 1.500 người kể từ năm 2020, đồng thời cho rằng đó là “điều đúng đắn cần làm”.

Đối với Christchurch - nơi có 400.000 dân, đây là thành phố lớn nhất trên đảo Nam của New Zealand. Christchurch được tái thiết kể từ sau trận động đất năm 2011 làm 185 người chết.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.