"Chiếc ô an ninh" của châu Âu lỗi thời?

.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm sinh nhật thứ 70 trong rạn nứt giữa Mỹ với hai đồng minh là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần tạo ra hình ảnh “chiếc ô an ninh” của châu Âu đang suy yếu.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenber (phải) kêu gọi sự thống nhất của liên minh gồm 29 thành viên. 					Ảnh: Bloomberg
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenber (phải) kêu gọi sự thống nhất của liên minh gồm 29 thành viên. Ảnh: Bloomberg

Vài giờ trước khi các ngoại trưởng NATO nhóm họp ở Washington ngày 4-4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Đức về mức đóng góp ngân sách quốc phòng không đạt mục tiêu và chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD.

Ông Pence cho rằng, Đức phải làm nhiều hơn nữa và phòng vệ của phương Tây khó bảo đảm nếu các đồng minh ngày càng phụ thuộc vào Nga; còn Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn, hoặc vẫn là một đối tác quan trọng trong liên minh quân sự thành công nhất lịch sử thế giới, hoặc muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ đối tác đó, bằng cách đưa ra những quyết định liều lĩnh như vậy…

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg xuất hiện tại Quốc hội Mỹ vào ngày 3-4 (sáng 4-4, giờ Việt Nam) với thông điệp, Washington đã mang lại lợi ích lớn cho liên minh gồm 29 thành viên, trong đó có các nước châu Âu.

“NATO tốt cho châu Âu, nhưng NATO cũng tốt cho nước Mỹ. Điều này làm Mỹ mạnh hơn, an ninh và an toàn hơn”, ông Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi đoàn kết của Tổng Thư ký NATO theo nguyên tắc “một vì tất cả, tất cả vì một”, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang thể hiện sự suy yếu từ bên trong. Tổng thống Donald Trump dường như chẳng mặn mà với NATO.

Thậm chí, ông từng tuyên bố: “NATO đã lỗi thời”, đồng thời dọa sẽ đưa Mỹ rời khỏi liên minh. Đối với ông, các đồng minh đã và đang lợi dụng sự hào phóng của Mỹ, minh chứng cụ thể là các nước rót ngân sách quá ít cho quốc phòng, chủ yếu Washington phải gánh.

Trước hội nghị ngoại trưởng NATO lần này mới chỉ có 3 nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng, bao gồm: Anh, Hy Lạp và Estonia. Phó Tổng thống Mike Pence cũng chỉ trích việc Đức theo đuổi dự án xây dựng đường ống dẫn dầu dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) với Nga.

Hãng Bloomberg nhận định, căng thẳng trong NATO về hàng loạt vấn đề dấy lên trước thời điểm ông Stoltenberg và ông Pence phát biểu. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lý giải, việc chính phủ Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga là nhu cầu cấp thiết.

Thậm chí, nhà ngoại giao này thẳng thừng tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO từ năm 1952 và khối quân sự - chính trị lớn nhất thế giới không đủ khả năng bảo vệ không phận của Thổ. Trong khi đó, Mỹ cho rằng, hệ thống S-400 của Nga được thiết kế nhằm bắn hạ máy bay của Mỹ và các đồng minh, trong đó có máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 sẽ gây nguy hại cho chương trình F-35 của Mỹ.

Đối với Đức, quốc gia này năm ngoái chi 50,2 tỷ USD cho quốc phòng, tăng hơn 4,6 tỷ USD so với năm trước đó nhưng chỉ bằng 1,23% GDP. Đức dự kiến giảm từ 1,37% GDP cho quốc phòng vào năm 2020 xuống còn 1,25% GDP năm 2023. “Khát” năng lượng, Đức cũng muốn thúc đẩy dự án Nord Stream 2 với Nga, điều mà Tổng thống Trump rất lo ngại.

Nếu tính theo tỷ lệ sức mạnh của các nền kinh tế, Mỹ đóng góp tương đương 22% cho ngân sách NATO, tiếp đến là Đức với 14%, Anh và Pháp cùng 10%. Khi Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và châu Âu rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, “lục địa già” phải tự quyết vấn đề an ninh của mình. Đó là lý do mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn châu Âu có quân đội riêng, nhất là trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết thời Chiến tranh Lạnh.

Sau 70 năm thành lập, NATO vẫn là trụ cột đối với hệ thống hòa bình do Mỹ lãnh đạo và tài trợ, thúc đẩy các giá trị phương Tây, ngăn nguy cơ chiến tranh thế giới mới. Tuy nhiên, khủng hoảng nghiêm trọng nội tại đang đe dọa sự tồn tại của khối.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.