Mỹ "đóng băng" chương trình F-35 với Thổ Nhĩ Kỳ

.

Phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, Mỹ “đóng băng” chương trình cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Ankara, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia đồng minh NATO.

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. 						     Ảnh: Wall Street Journal
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ảnh: Wall Street Journal

Quyết định của Lầu Năm Góc không ngoài dự đoán bởi nhiều tháng trước Mỹ đã cảnh báo rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến mua hệ thống S-400 của Nga, Washington sẽ đánh giá lại sự tham gia của Ankara trong thương vụ F-35 và tiếp đến có thể là những vụ chuyển giao vũ khí trong tương lai. Giờ đây, Mỹ tạm ngừng cung cấp và các hoạt động liên quan chương trình F-35 đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi Ankara từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400. Hãng Reuters cho rằng, đây là bước đi cụ thể đầu tiên của Mỹ nhằm ngăn cản đồng minh NATO theo đuổi S-400, bởi lo ngại hệ thống radar của S-400 có thể phát hiện và truy lùng chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Bất đồng xung quanh chương trình F-35 là rạn nứt mới nhất trong hàng loạt căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm: việc Ankara yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, những khác biệt về chính sách Trung Đông, nội chiến ở Syria và các biện pháp trừng phạt Iran. Quyết định của Mỹ về F-35 nhiều khả năng làm phức tạp chuyến viếng thăm Washington của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và kỷ niệm 70 thành lập liên minh quân sự này.

Tuần trước, Mỹ đã cân nhắc khả năng loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35, mặc dù Ankara tham gia sản xuất một số bộ phận ở phần thân, thiết bị hạ cánh và màn hình hiển thị trong buồng lái. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua 100 máy bay chiến đấu F-35A cùng chương trình huấn luyện phi công tại Mỹ. Nhà sản xuất F-35 Lockheed Martin cho biết, giá trị các hợp đồng chế tạo các bộ phận của F-35 với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên đến 12 tỷ USD. Nhưng vai trò của Ankara giờ đây “dễ dàng” được thay thế, bất chấp việc tìm các nhà thầu khác có thể làm tiến trình sản xuất chậm 3 tháng.

Thực tế, để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400, Mỹ đề nghị cung cấp hệ thống chống tên lửa Patriot do cường quốc này sản xuất, với một thỏa thuận giảm giá cho Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ tuy quan tâm đến Patriot, thậm chí trong những ngày gần đây còn đàm phán với Mỹ, nhưng không muốn vì thương vụ này mà từ bỏ S-400.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, kế hoạch mua S-400 không liên quan đến an ninh của Mỹ. Ông nhấn mạnh, vấn đề không phải là các hệ thống S-400 mà là việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hành động theo ý của mình, nhất là ở Syria. Ankara và Moscow đã ấn định thời điểm bàn giao S-400 vào tháng 7 tới.

Chuyên gia Andrew Hunter tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ không những là khách hàng mua F-35 mà còn là đối tác sản xuất của Mỹ, nên quyết định đơn phương trừng phạt Ankara có thể là động thái leo thang căng thẳng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên.

Việc mua một hệ thống tên lửa của Nga là điều bất thường đối với một thành viên NATO. Song, trong lúc căng thẳng với phương Tây về nhiều vấn đề, Tổng thống Erdogan muốn xích lại gần Nga. Tuần trước, khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước chủ nhà Mevlut Cavusoglu khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi thương vụ S-400.

Vấn đề đặt ra là Mỹ sẽ mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Ankara có thể bảo lưu quan điểm cứng rắn của mình bằng cách chuyển sang mua chiến đấu cơ Su-35 từ Nga để thay thế F-35. Hai loại máy bay này được cho là có đặc tính tương đương và Thổ Nhĩ Kỳ không gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp các máy bay chiến đấu hiện đại Su-35 của Nga vào hệ thống vũ khí của mình.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.