Cuộc chiến pháp lý giữa Julian Assange và Mỹ

.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange có thể bị dẫn độ đến Mỹ và khả năng London từ chối yêu cầu dẫn độ là rất thấp.

Cảnh sát Anh cho biết, họ thay mặt Mỹ bắt giữ ông Julian Assange (công dân Úc) tại Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11-4, kết thúc 7 năm ông chủ WikiLeaks ẩn náu trong cơ quan ngoại giao này. Ngay sau khi ông Assange bị bắt, Mỹ đã gửi yêu cầu dẫn độ nhân vật từng gây chấn động với các vụ rò rỉ tài liệu vào năm 2010.

Ông Julian Assange bị bắt tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh. Ảnh: Reuters
Ông Julian Assange bị bắt tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Hãng AP cho rằng, với việc WikiLeaks công bố 470.000 tài liệu về hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan hồi năm 2010, ông Assange phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý cùng Washington suốt gần một thập niên qua. Đây được xem là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là Joe Biden so sánh Assange với một “tên khủng bố công nghệ cao”. Còn bà Sarah Palin, cựu ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa, kêu gọi phải truy lùng Assange như một thành viên tổ chức Al-Qaeda. Song sau đó, bà Palin xin lỗi Assange khi WikiLeaks tung ra những tài liệu gây bất lợi cho đảng Dân chủ Mỹ.

Tháng 8 và 9-2010, ông Assange bị điều tra về cáo buộc cưỡng bức và quấy rối hai phụ nữ Thụy Điển. Những vụ việc này khiến ông trốn vào Đại sứ quán Ecuador từ tháng 6-2012 để tránh trát dẫn độ về Thụy Điển. Assange được chính phủ Tổng thống Ecuador lúc đó là ông Rafael Correa cho phép tị nạn và cấp quyền công dân vào năm 2017.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Assange với người kế nhiệm ông Correa, Tổng thống đương nhiệm Lenin Moreno, không mấy tốt đẹp. Ông Moreno gọi Assange là “gã tin tặc”, là “rắc rối để lại” từ chính phủ tiền nhiệm. Ông cáo buộc Assange vi phạm công ước quốc tế về cư trú và làm rò rỉ thông tin về cuộc sống riêng tư của nhà lãnh đạo này. Assange cho rằng, cáo buộc của Tổng thống Moreno hướng tới việc trục xuất ông khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London.

Giờ đây, Ecuador chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao với Assange, mở đường để cảnh sát Anh bắt giữ ông. Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức đưa ra cáo buộc Assange xâm nhập vào máy tính của chính phủ, liên quan đến vụ rò rỉ thông tin mật của Washington hồi năm 2010. Theo đó, ông Assange có thể bị đưa sang Thụy Điển vì liên quan hai cáo buộc xâm hại tình dục và đối mặt với 12 tháng tù mặc dù quốc gia châu Âu này đã kết thúc điều tra vào giữa năm 2017; đồng thời có thể bị dẫn độ đến Mỹ để nhận án tù 5 năm. Song, nếu bị truy tố về hành vi phản bội theo đạo luật Gián điệp, Assange có thể nhận án tử hình tại Mỹ. Một thực tế bất lợi cho Assange là phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện có thể chẳng ưa gì ông bởi WikiLeaks đã công bố những thư điện tử của đảng này trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Trong lúc đó, chính phủ của Tổng thống Donald Trump cũng muốn bắt Assange để chứng minh ông chủ Nhà Trắng không “bắt tay” với Nga trong chiến dịch tranh cử.

Theo báo The Sun của Anh, Assange đang bị giam ở nhà tù Wandsworth, phía nam London, nơi ông từng phải trải qua 9 ngày vào năm 2010 khi bị điều tra cáo buộc xâm hại tình dục. Luật sư Jennifer Robinson xác nhận, thân chủ của mình sẽ đấu tranh với yêu cầu dẫn độ đến Mỹ do lo ngại Washington sẽ đưa ra thêm cáo buộc, nghĩa là người sáng lập WikiLeaks có thể gặp nguy hiểm và ngồi tù đến vài chục năm.

Thủ tướng Anh Theresa May hoan nghênh việc bắt giữ Assange bởi điều này cho thấy “không ai đứng trên luật pháp”. Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn kêu gọi chính phủ ngừng việc dẫn độ.

Trong khi đó, theo AP, tiến trình dẫn độ sang Mỹ có thể mất vài năm. Việc xét xử trải qua nhiều năm ở các tòa án của Anh; nếu đương sự kháng cáo, vụ việc có thể được đưa ra Tòa án Tư pháp châu Âu. Song, luật sư Anthony Hanratty nói với tờ The Times rằng, sẽ khó chống lại việc dẫn độ bởi căn cứ theo thỏa thuận giữa hai nước đồng minh Anh và Mỹ.

Ngày 12-4, Úc phản đối án tử hình đối với công dân nước này – nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange nếu ông bị dẫn độ đến Mỹ. Những người biểu tình ở thành phố Sydney kêu gọi phóng thích Assange và Hiệp hội Nhà báo Úc cũng bày tỏ tiếng nói mạnh mẽ nhằm ủng hộ ông.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.