Bầu cử vẽ lại bản đồ chính trị châu Âu

.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vẽ lại bản đồ chính trị của “lục địa già” với sự trỗi dậy của các đảng dân túy và cực hữu, trong khi các chính đảng truyền thống thất bại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có sự lựa chọn khác nhau về vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có sự lựa chọn khác nhau về vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: AP

Với cán cân lực lượng được phân định lại sau cuộc bầu cử từ ngày 23 đến 26-5, chủ đề nóng nhất tại châu Âu lúc này là việc phân chia 4 vị trí quyền lực, bao gồm: Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của châu Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) vào đêm 28-5, các cường quốc như Pháp, Đức và Tây Ban Nha bất đồng về việc chọn lãnh đạo EC trong 5 năm tới, thay thế ông Jean-Claude Juncker, người sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 31-10 tới.

Báo The Independent của Anh cho biết, nước Đức muốn giữ cơ chế “spitzenkandidat”, tức lực lượng chính trị nào đứng đầu EP thì đại diện lực lượng đó giữ chức Chủ tịch EC. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn người giữ vị trí này là ông Manfred Weber, chính trị gia người Đức hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị chiếm nhiều ghế nhất tại EP khóa mới.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhóm tự do trong EP phản đối cơ chế “spitzenkandidat”, vốn không được quy định chính thức trong các hiệp ước của EU mà chỉ sử dụng một lần hồi năm 2014 để bầu ông Juncker đứng đầu EC.

Các ứng viên khác còn có ông Frans Timmermans, chính trị gia người Hà Lan thuộc nhóm Dân chủ và Xã hội (S&D), nhóm thứ hai trong EP; bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, cựu Bộ trưởng Đan Mạch; và ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit. Tổng thống Macron nói rằng, cả ba nhân vật này đều có “những kỹ năng” để trở thành lãnh đạo của EC.

Ông Macron đã gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vào ngày 28-5 để bày tỏ mong muốn lập liên minh phản đối việc chọn ông  Weber. Song, ông Sanchez ủng hộ ứng viên Frans Timmermans. “Chúng tôi sẽ ủng hộ ông Frans”, Thủ tướng Sanchez khẳng định. Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đứng về phía Tổng thống Macron.  

Theo quy định của EU, Chủ tịch EC phải do các nhà lãnh đạo của 28 thành viên liên minh bỏ phiếu trong Hội đồng châu Âu và sau đó được EP phê chuẩn. Hãng AP cho rằng, sau hội nghị thượng đỉnh đêm 28-5 sẽ là một tiến trình kéo dài với những có những dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh quyền lực giữa Hội đồng châu Âu - vốn đại diện các chính phủ, với Nghị viện.

Theo các nhà phân tích, hiện không đảng nào có thể tuyên bố thống trị chính trường châu Âu mà phải liên minh với ít nhất 3 hoặc 4 nhóm đảng. EPP và S&D vẫn là hai khối đảng mạnh nhất tại EP khóa mới nhưng không chiếm đa số nên không có quyền quyết định ai sẽ đứng đầu EC. Để giành được thế đa số, liên minh nắm quyền tại EP phải tập hợp tối thiểu 376 ghế. EPP và S&D đang nắm giữ 329 ghế sau khi đã để mất 75 ghế.

Hai khối đảng này đang tìm kiếm sự ủng hộ của Liên minh Tự do và Dân chủ vì châu Âu (ALDE) và đảng Xanh để có đủ số ghế, thuận lợi cho việc phê chuẩn hoặc bác bỏ bất kỳ sự đề cử nào. Tương lai các dự án của EU sẽ như thế nào là câu hỏi được đặt ra với nhiều quan ngại, bởi sự xuất hiện của nhóm đảng thứ ba, hay thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến việc hoạch định chính sách của EP.

Hãng Reuters cho biết, cả Pháp lẫn Đức đều muốn người của nước mình điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi Chủ tịch hiện tại của cơ quan này, ông Mario Draghi (người Ý), sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 10 tới.

THIÊN BÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.