Đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Khó thu hẹp bất đồng

.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang khi vòng đàm phán thứ 11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Hơn nữa, việc Mỹ liên tục áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc khiến tình hình tồi tệ hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều muốn bảo vệ lợi ích thương mại của nước mình.					      Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều muốn bảo vệ lợi ích thương mại của nước mình. Ảnh: AP

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, dù có hay không có thỏa thuận, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bị hủy hoại khi hai cường quốc bước vào kỷ nguyên cạnh tranh về ngoại giao và kinh tế.

Vì vậy, việc vòng đàm phán thứ 11 tại Washington không đạt được thỏa thuận không gây ngạc nhiên trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép bằng việc liên tục áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, quốc gia có sự ảnh hưởng toàn cầu, tiềm lực quân sự và khả năng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng. Rào cản chính là quan điểm cứng rắn của mỗi nước trong cuộc chiến thương mại. Theo đó, hai bên đều sẵn sàng “chơi bóng cứng” để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Theo hãng Tân Hoa xã và tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, hai nước vẫn bất đồng về việc dỡ bỏ toàn bộ thuế bổ sung, cán cân thương mại và một văn bản “cân bằng” đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Tân Hoa xã nhận định, hai nước cần kiên nhẫn hơn nữa để vượt qua những bất đồng.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói rằng, đàm phán “không đổ vỡ”; đồng thời mô tả các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn mang tính xây dựng, thẳng thắn và hai bên đồng ý tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh trong thời gian tới. Song, phía Trung Quốc giữ lập trường không bao giờ chịu thua trước sức ép tối đa của Mỹ và không thỏa hiệp về các vấn đề nguyên tắc.

Về phía Mỹ, kết thúc hai ngày đàm phán 9 và 10-5 (giờ Washington) mà không có thỏa thuận, Tổng thống Donald Trump ngay lập tức áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc ước tính 300 tỷ USD. Động thái “mạnh tay” này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Không những thế, ông Trump cảnh báo, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng sẽ “tồi tệ hơn nữa với Trung Quốc nếu phải đàm phán trong nhiệm kỳ hai của tôi”.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang rơi vào vòng xoáy rủi ro mới. Ông Trump tuyên bố “hoàn toàn không vội” để hoàn tất một thỏa thuận nửa vời, mà phải là một thỏa thuận rốt ráo và cụ thể. Điều đó có nghĩa chính phủ của ông chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận, thậm chí còn chuẩn bị một “cuộc chiến” dài lâu cùng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh đang “cưỡng bức” Washington về thương mại.

“Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục xấu đi và tôi nghĩ đó là hệ quả tất yếu khi các lợi ích quốc gia đang bắt đầu chồng chéo, xung đột lẫn nhau, tạo ra những bất đồng”, chuyên gia Jonathan Sullivan tại Đại học Nottingham (Anh) nói.

Trên Twitter, Tổng thống Trump viết rằng, việc áp mức thuế quan mới sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp nước này vững mạnh hơn chứ không yếu đi. Trong khi đó, giới chuyên gia và chính các đồng minh trong đảng Cộng hòa của ông Trump cho rằng, mức thuế mới có thể đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, thứ “vũ khí” quan trọng mà ông sẽ sử dụng để tìm kiếm nhiệm kỳ 2.

Trung Quốc hiện chưa công bố cụ thể các biện pháp trả đũa Mỹ. Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Kaiyuan Capital, ông Brock Silvers, lý giải Bắc Kinh vẫn hy vọng có thể cứu vãn “tiến trình hòa bình”.

Nhà kinh tế học cấp cao của Trung Quốc Julian Evans-Pritchard cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể tăng mức thuế hiện tại đối với các sản phẩm của Mỹ, thay vì công bố danh sách các hàng nhập khẩu mới từ Mỹ. Theo đó, nông nghiệp của Mỹ sẽ là ngành thua thiệt nhất khi Bắc Kinh trả đũa.

Quý 1-2019, xuất nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc giảm xuống mức 2,51% GDP Mỹ - mức thấp nhất kể từ năm 2006 (2,47%). Các chuyên gia dự đoán GDP của Trung Quốc có thể giảm 1,6% trong năm nay nếu mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ra khỏi thị trường Mỹ.

Nếu những bất đồng, rào cản không được tháo dỡ, cuộc chiến thương mại gay gắt này không chỉ gây thiệt hại cho hai nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Song, việc tìm kiếm một thỏa thuận trong lúc này quả rất khó khăn.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.