Đòn tấn công "gót chân Achilles"

.

Tâm điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay là “chiến tranh công nghệ” với Bắc Kinh, với đòn giáng nhằm vào “gã khổng lồ công nghệ” Huawei.

Nhiều năm qua, chính phủ, Quốc hội Mỹ và cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), quân đội cũng như các viện nghiên cứu chiến lược tại Washington báo động các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, mà Huawei đứng đầu - là tai mắt của Bắc Kinh - do thám các nước phương Tây. CIA cáo buộc Huawei nhận được tài trợ từ Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân và một chi nhánh thứ ba của mạng lưới tình báo nhà nước Trung Quốc. Nhà Trắng thậm chí cho rằng, Huawei là mối nguy hiểm đối với an ninh nước Mỹ.

Giới quan sát nhận định, bằng cách “khóa cửa”, không cho Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ, Tổng thống Trump đã nhắm vào “gót chân Achilles” của “người khổng lồ” Trung Quốc. Đây là đòn đánh hiểm gây choáng váng cho Huawei, vốn dĩ lớn mạnh nhờ vào công nghệ Mỹ, nhất là các chip điện tử và phần mềm.

Nếu Huawei bị cắt hoàn toàn nguồn cung từ công nghệ Mỹ, đó sẽ là điều tồi tệ nhất, đe dọa sự tồn vong của tập đoàn này, theo nhận định của văn phòng tư vấn Eurasia Group. Huawei có thể sẽ không giữ được hình hài như hiện nay nữa.

Không những thế, Tổng thống Donald Trump còn liên tục thúc hối các đồng minh châu Âu noi gương Mỹ trừng phạt Huawei. Các nhà chức trách ở Mỹ cũng đang điều tra Huawei vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, chung quanh vụ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Huawei, con gái của người sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Canada vào tháng 12-2018 theo yêu cầu của Washington.

Theo hãng tin Bloomberg, các mục tiêu sắp tới của Mỹ có thể là 5 công ty Trung Quốc sản xuất camera giám sát lớn như: Hikvision, Dahua Technology, Yitu Technology, SenseTime Group Ltd. và Megvii.

Trước các đòn tấn công liên tiếp, Huawei vẫn tỏ ra tự tin, sẵn sàng chấp nhận thách thức, bảo đảm rằng công ty đã chuẩn bị giải pháp thay thế phần mềm và linh kiện của Mỹ…

Tuy nhiên, hệ quả đòn tấn công của Washington là việc Google thông báo ngừng hợp tác với Huawei, trong khi sản phẩm của công ty Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào hệ điều hành Android do công ty Mỹ làm chủ. Một loạt công ty Mỹ trong lĩnh vực này như Qualcomm, Qorvo và Texas Instruments đã tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Huawei. Nhà chế tạo phần mềm Oracle và Microsoft cũng làm ăn nhỏ giọt với vị khách hàng lớn Trung Quốc này.

Không có Android, Huawei làm sao có thể thuyết phục khách hàng mua các điện thoại di động không có Gmail, YouTube hay ứng dụng Maps. Hiện chỉ có hai hệ điều hành thống trị thế giới điện thoại thông minh: Android chiếm 75% thiết bị, còn lại là iOS - độc quyền của Apple. Khó có thể tạo ra được phần mềm mới nào để thay thế. Những tên tuổi lớn như Nokia, Blackberry và Microsoft đã từng thử và đều thất bại.

Về mảng công nghệ truyền dẫn dữ liệu, không thể phủ nhận Huawei đi đầu trong lĩnh vực thiết bị mạng 5G. Nhưng Huawei không phải không có điểm yếu. Mỗi năm công ty này phải chi 67 tỷ USD mua thiết bị, trong đó 11 tỷ USD chi cho các nhà cung cấp thiết bị Mỹ.

Để cưỡng lại cuộc tấn công của Washington, Huawei chỉ có thể nhắm tới sự ủng hộ của các nước châu Âu. Nhưng trong trường hợp Washington gây áp lực mạnh mẽ thì rất khó để châu Âu tiếp tục hợp tác với Huawei.

Có thể nói, số phận của tập đoàn công nghệ Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ thực sự của Tổng thống Mỹ, hiện dùng Huawei như con tốt trong ván cờ thương mại với Trung Quốc. Mới đây, ông Trump nói rõ rằng, vấn đề Huawei có thể được giải quyết trên bàn đàm phán thương mại.

Việc Washington phát động “cuộc chiến công nghệ” trong “cuộc chiến thương mại” thể hiện sự không chấp nhận việc Trung Quốc trở thành một đối thủ chiến lược trong thế kỷ 21 và đứng ngang hàng với các tập đoàn Mỹ.

Trong cuộc đối đầu này, việc Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp, sao chép công nghệ chỉ là lý do thứ yếu; mục tiêu hàng đầu của Mỹ là loại các tập đoàn Trung Quốc khỏi cuộc đua công nghệ, khi Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong tất cả các phân khúc của ngành công nghiệp chip vào năm 2030.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.