Mỹ - Nhật củng cố quan hệ tốt đẹp

.

Cuộc hội đàm chính thức giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe ngày 27-5 thành công về phương diện củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước, đúng như mong muốn của nhà lãnh đạo Mỹ khi đến Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 			Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty Images

Mối quan hệ đồng minh vững chắc giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục trong triều đại Lệnh Hòa (Reiwa) là thông điệp được Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định ngay khi mở đầu cuộc gặp tại Tokyo với Tổng thống Donald Trump, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên diện kiến tân Nhật hoàng Naruhito. Giới quan sát cho rằng, thực chất chuyến thăm này là nỗ lực ngoại giao bền bỉ của ông Abe nhằm lấy lòng ông Trump để có được sự ủng hộ của cường quốc hàng đầu thế giới trong vấn đề CHDCND Triều Tiên và giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Nhật. Bởi vậy, hai nội dung chính trên bàn nghị sự đương nhiên là chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên mà cả Washington lẫn Tokyo đều xem là mối đe dọa và thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật.

Hãng AP cho biết, Tổng thống Trump phải bay hơn 11.000km để đến Nhật Bản nhưng chuyến thăm này được cho là mang lại bầu không khí dễ chịu hơn so với những áp lực mà ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt ở trong nước. Ông Trump nhấn mạnh, mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Nhật Bản “hết sức tuyệt vời” và đang ở giai đoạn phát triển nhất từ trước đến nay. Khi người bạn thân thiết Shinzo Abe bày tỏ quan ngại về các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên đe dọa an ninh của Nhật Bản, ông Trump trấn an rằng, có “sự tôn trọng rất lớn” giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời dự đoán “rất nhiều điều tốt đẹp” sẽ đến với Bình Nhưỡng, bất kể những cuộc phóng tên lửa gần đây của nước này và hội nghị thượng đỉnh lần hai Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận nào.

Tổng thống Trump giảm tầm quan trọng của các vụ thử tên lửa do Bình Nhưỡng thực hiện trong thời gian qua, mặc dù Cố vấn An ninh quốc gia của ông, John Bolton, và cả Thủ tướng Abe đều cho rằng những vụ việc như vậy đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo Tổng thống Trump, gần đây, Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa có thể vươn đến Mỹ. Đầu tháng 5 này, Bình Nhưỡng đã thử hàng loạt tên lửa tầm ngắn, gây quan ngại cho các đồng minh của Washington, trong đó có Nhật Bản. Song, bản thân ông Trump không những không cảm thấy bận lòng về những động thái này của Bình Nhưỡng, mà còn tin tưởng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ giữ đúng cam kết.

Thủ tướng Abe vốn thường thúc giục Tổng thống Trump duy trì sức ép với Triều Tiên. Tokyo cũng lo ngại việc Washington có thể rút lực lượng đồn trú khỏi khu vực Đông Bắc Á để tạo điều kiện cho thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Dù Mỹ và Nhật Bản có mối quan hệ hữu hảo, nhưng trong vấn đề thương mại, quốc gia châu Á này vẫn là đối thủ kinh tế của Washington. Ông Trump đã ra lệnh áp thuế cao đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản; đồng thời cảnh báo khả năng áp thuế 25% đối với ô-tô nhập khẩu từ Nhật Bản nhằm buộc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải nhượng bộ trong đàm phán thương mại. Hơn nữa, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Nhật Bản ủng hộ chương trình này nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Việc Mỹ hoãn áp thuế với ngành ô-tô của Nhật Bản để đàm phán thương mại song phương nhưng thời gian hoãn 6 tháng quá ngắn để tìm được tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận như mong muốn của ông Trump. Mỹ đang đề nghị Nhật Bản cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, thịt lợn và lúa mì. Còn Nhật Bản kêu gọi Mỹ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu.

Tổng thống Trump muốn mối quan hệ thương mại cân bằng và “có qua có lại” hơn. Nhưng các quan chức Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, khó thu hẹp những bất đồng, dù cả ông Trump lẫn ông Abe đều đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa hai nước bằng “ngoại giao mềm dẻo”.  

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.