Người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook Chris Hughes vừa gây chấn động khi kêu gọi chia nhỏ Facebook thành nhiều công ty để phá vỡ thế độc quyền. Ngay lập tức, các chuyên gia đã phân tích những vấn đề xung quanh đề xuất gây tranh cãi này.
Quyền lực quá lớn
Mark Zuckerberg đang có quyền lực quá lớn. Ảnh: AFP |
Cùng sáng lập Facebook với Mark Zuckerberg khi còn là sinh viên trường Harvard và đã rời mạng xã hội này, nhưng mới đây, Chris Hughes đã viết một bài thể hiện quan điểm chỉ trích về những vấn đề của Facebook trên tờ The New York Times.
Bài viết đăng ngày 9-5 có đoạn: “Tôi giận giữ vì Mark tập trung vào tăng trưởng nên đã hi sinh vấn đề an ninh và các qui chuẩn để thu hút những cái nhấp chuột. Tôi thất vọng với bản thân và với nhóm làm việc ban đầu tại Facebook vì đã không suy nghĩ thêm về cách thuật toán News Feed (bảng tin) có thể thay đổi văn hóa của chúng ta, gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử và tăng quyền lực cho những lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc”.
Theo Hughes, là Tổng Giám đốc điều hành Facebook, Mark đã có quyền lực lớn đến mức “chưa từng có tiền lệ” và “không mang bản chất Mỹ”. Ông cho rằng đã tới lúc chia nhỏ Facebook thành nhiều công ty để giảm sự độc quyền của Facebook và để quản lý tốt hơn.
Ý tưởng chia nhỏ Facebook không phải là mới nhưng lời kêu gọi thực hiện biện pháp cực đoan này gây giật mình vì nó xuất phát từ chính người đồng sáng lập Facebook. Hughes cho rằng Mark đã nắm quá nhiều quyền lực, tới mức cả hội đồng quản trị công ty cũng không thể bắt Mark chịu trách nhiệm. Mark kiểm soát khoảng 60% cổ phiếu có quyền phủ quyết, điều đó có nghĩa là về mặt kỹ thuật, hội đồng quản trị không thể sa thải Mark nếu ông gây ra vấn đề gì đó.
Mark Zuckerberg (trái) và Chris Hughes thủa thành lập Facebook khi còn là sinh viên. Ảnh: Mashable |
Facebook phát triển nhanh chóng nay lại càng phát triển nhanh hơn sau khi sáp nhập ứng dụng Instagram và WhatsApp. Các chuyên gia và giới phê bình cho rằng Facebook chỉ đơn giản là mua đứt đối thủ cạnh tranh thay vì đổi mới để vượt qua thách thức từ các đối thủ.
Ông Stephen Diamond, Phó Giáo sư luật tại khoa luật của trường Đại học Santa Clara, nhận định: “Toàn bộ mô hình kinh doanh của họ là xác định mối đe dọa tiềm tàng và sau đó mua lại hoặc đánh bại theo cách nào đó”.
Facebook đã bị chỉ trích vì không làm đủ mạnh trong việc chống lại tình trạng lợi dụng mạng xã hội để can thiệp bầu cử, phát tán thông tin sai lệch và ngôn từ thù địch. Do đó, quyền lực khổng lồ của Facebook cần phải được kiểm soát.
Ngay sau bài viết của Chris Hughes, Facebook đã phản pháo với lý lẽ rằng chia nhỏ công ty sẽ không khiến mạng xã hội này phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Thay vào đó, Facebook cho rằng cần quản lý Internet nhiều hơn liên quan tới các nội dung độc hại, quyền riêng tư… Nick Clegg, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu và truyền thông của Facebook, cho rằng các công ty công nghệ chỉ có thể thực hiện trách nhiệm nếu có các quy tắc mới áp dụng với Internet. Facebook nghĩ mình đã giúp ngăn chặn tin rác, can thiệp bầu cử và tội phạm, đồng thời khẳng định có rất nhiều đối thủ cạnh tranh như YouTube, Snapcht, iMessage hay WeChat.
Chia nhỏ có khả thi?
Theo tờ Business Insider, việc Facebook có quyền lực quá lớn là điều không cần tranh cãi và cần phải chấm dứt. Tuy nhiên, giải pháp chia Facebook thành ba công ty là Facebook, Instagram và WhatsApp dường như là một suy nghĩ cảm tính nhất thời.
Chia nhỏ Facebook sẽ tạo ra ba (hoặc nhiều hơn) thực thể nhỏ hơn mà các thực thể này sẽ đều cảm thấy áp lực phải phát triển. Những “Facebook con” này đều được nuôi lớn trong môi trường tăng trưởng bằng mọi giá như Facebook hiện nay. Tuy nhiên, khi đã tách riêng, các “Facebook con” sẽ tự mình hành động mà không cần quan tâm tới mục tiêu và ảnh hưởng chung của công ty mẹ.
Giả sử có chia nhỏ Facebook thì Mark Zuckerberg có thể vẫn là cổ đông lớn và nắm quyền lực tại toàn bộ các công ty nhỏ. Do đó, thay vì có một Zuckerberg nắm toàn bộ đế chế Facebook như hiện nay, thì thế giới lại có ba. Với tư cách là các thực thể nhỏ hơn, không bị chú ý nhiều như khi là một phần của tập đoàn lớn Facebook, các “Facebook con” có thể lọt khỏi tầm kiểm soát. Khi đó, mục tiêu chia nhỏ Facebook để kiểm soát tốt hơn sẽ không được thực hiện.
Theo Business Insider, quản lý chỉ là một phần của giải pháp nếu đi kèm với hình phạt hình sự như tống giam. Tuy nhiên, quản lý dân sự với biện pháp phạt tiền lại không có tác dụng răn đe. Facebook đang chuẩn bị nộp phạt 5 tỷ USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang liên quan đến bê bối công ty Cambridge Analytica làm tiết lộ thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng. Với một công ty trị giá cả 500 tỷ USD như Facebook thì số tiền đó không thấm vào đâu.
Mark Zuckerberg điều trần trước Thượng viện Mỹ. Ảnh: AFP |
Do đó, giải pháp thực sự có thể là một giải pháp kỹ thuật mà một công ty đang nghiên cứu. Tổng giám đốc điều hành Todd McKinnon của công ty Okta đang tìm cách thiết lập một tiêu chuẩn ngành cho nhân dạng kỹ thuật số. Tiêu chuẩn này giúp từng cá nhân có thể kiểm soát thông tin kỹ thuật số nào của họ được chia sẻ.
Thay vì trao địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, tên những người trong bức ảnh của bạn cho các trang web đề nghị bạn cung cấp, mỗi người sẽ có một ví nhân dạng kỹ thuật số. Chúng ta có thể chia sẻ và thu hồi thông tin kỹ thuật số khi phù hợp.
Tóm lại, ý tưởng chia nhỏ Facebook thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng lại có nhiều lỗ hổng, lợi bất cập hại và dễ xảy ra tình huống "chặt một đầu nhưng lại thấy ba cái đầu mọc lên". Thay vào đó, người dùng cần có phương tiện để kiểm soát chính dữ liệu của họ và các nhà quản lý cần có luật mang tính răn đe hơn.
Theo Báo Tin tức