Nhật hoàng Naruhito đã chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump với tư cách vị quốc khách đầu tiên kể từ khi ông đăng quang hôm 1-5, sự kiện được đánh giá là làm thắt chặt hơn quan hệ Mỹ-Nhật.
Nhật hoàng Naruhito chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/Getty) |
Ngày 27-5, Nhật hoàng Naruhito đã chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump với tư cách vị quốc khách đầu tiên kể từ khi ông đăng quang hôm 1-5.
Sự kiện này được đánh giá làm nổi bật mối quan hệ Nhật-Mỹ tiếp tục được thắt chặt hơn nữa.
Tại Hoàng Cung ở trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako đã tiếp Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania trong bầu không khí lễ hội khởi đầu triều đại mới với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa).
Nhật hoàng Naruhito, 59 tuổi, kế thừa ngôi vị từ Vua cha Akihito - vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong vòng hơn 200 năm qua.
Cuộc gặp với Tổng thống Trump là sự kiện khởi đầu cho một giai đoạn mới của ngoại giao hoàng gia dưới triều đại của một vị Nhật hoàng và Hoàng hậu giàu kinh nghiệm quốc tế vì cả hai đều từng có nhiều năm sống ở nước ngoài.
Nhật hoàng Naruhito là vị Nhật hoàng đầu tiên du học nước ngoài tại Đại học Oxford danh tiếng của Anh, trong khi Hoàng hậu Masako từng là một nhà ngoại giao được đào tạo tại Đại học Havard của Mỹ.
Theo hãng thông tấn Kyodo, Chính phủ Nhật Bản quyết định tiếp đón Tổng thống Trump với nghi lễ quốc khách đầu tiên trong triều đại mới Reiwa để qua đó thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa hai đồng minh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng dành sự tiếp đón nồng hậu đối với nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới đất nước Mặt Trời mọc, sự kiện mà ông Abe mô tả là "mang tính lịch sử."
Theo kế hoạch, sau khi hội kiện Nhật hoàng Naruhito, Tổng thống Trump sẽ tiến hành hội đàm chính thức với Thủ tướng Abe và dự yến tiệc tại hoàng cung tối cùng ngày.
Dự kiến, trong cuộc gặp thượng đỉnh này, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào vấn đề thương mại song phương và vấn đề Triều Tiên.
Mặc dù sự thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo phần nào làm dịu bớt căng thẳng song phương trong vấn đề thương mại, đàm phán giữa hai nước về lĩnh vực này cho tới nay vẫn chưa thu hẹp được bất đồng để có thể đạt được một thỏa thuận "công bằng và có qua có lại" như mong muốn của Tổng thống Trump.
Các quan chức Nhật Bản và Mỹ đã hạ thấp triển vọng về một sự đột phá lớn tại hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ lần này.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng nói rằng các cuộc đàm phán thương mại song phương đã đạt được "bước tiến lớn" song vẫn còn nhiều điều phải chờ tới sau cuộc bầu cử Thượng viện tại Nhật Bản vào tháng 7 tới.
Bên cạnh vấn đề thương mại, Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump có thể sẽ nhất trí về sự cần thiết phối hợp chính sách trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Thủ tướng Abe dường như hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của Tổng thống Trump trong việc theo đuổi xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, ông Abe đã bày tỏ sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Ngoài ra, tình hình Trung Đông cũng được dự báo sẽ nằm trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Mỹ-Iran.
Một số nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe đã thông báo với Tổng thống Trump kế hoạch thăm Iran.
Ông Abe cho biết Nhật Bản có quan hệ hữu hảo với Iran, do đó ông muốn làm trung gian hòa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay.
Đáp lời, Tổng thống Trump cho biết ông mong muốn Thủ tướng Abe sẽ sớm thực hiện chuyến thăm này.
Giới phân tích cho rằng Nhật Bản xác định việc nhận được sự tán thành của Mỹ đối với kế hoạch thăm Iran là cần thiết.
Do vậy, sau khi Tổng thống Trump bày tỏ đồng tình, kế hoạch thăm Iran của Thủ tướng Abe sẽ nhanh chóng được thúc đẩy, dự kiến vào tháng 6 tới.
Nếu được tiến hành, đây sẽ là chuyến thăm Iran đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm kể từ năm 1978.
Theo Vietnam+