Vì sao IS còn cắm rễ nhiều nơi?

.

Trên phương diện nào đó, Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy IS thất thủ tại vùng lãnh thổ cuối cùng mà nhóm này chiếm đóng ở Trung Đông hồi cuối tháng 3 vừa qua, nhưng các chiến binh của chúng vẫn lẩn trốn ở nhiều nơi. Nhiều nhóm khủng bố có thời gian cắm rễ tại các nước đã bắt đầu hành động, gây ra các vụ khủng bố để thực hiện cái gọi là “trả thù” cho đồng bọn của chúng.

Với sự xuất hiện đầu tiên sau 5 năm “mất tích” trong đoạn video mới đây, thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi muốn chuyển thông điệp rõ ràng rằng, mặc dù “vương quốc” IS tại Iraq và Syria sụp đổ nhưng mạng lưới IS toàn cầu vẫn tồn tại. Hắn ca ngợi những tay súng bị tiêu diệt trong cuộc chiến tại Iraq và Syria. Sau đó, hắn ăn mừng các cuộc tấn công có mối liên hệ với IS, cụ thể là sự kiện mới nhất ở Sri Lanka. Cuối cùng hắn chỉ muốn truyền tải thông điệp: “Bọn ta vẫn ở đây và vẫn chiến đấu - và giết người”.

Các nhà phân tích cho rằng, các yếu tố như đói nghèo, phân biệt đối xử, thái độ quá khích trên truyền thông xã hội, sự điều hành yếu kém cũng như việc thu thập và chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia chưa tốt… đã làm các khu vực châu Á, châu Phi trở thành mảnh đất màu mỡ cho Al-Qaeda và IS cắm rễ, kích động hận thù, phát triển lực lượng, vận động quyên góp tiền của, gây ra các vụ khủng bố kinh hoàng.

Các nhóm thánh chiến luôn sử dụng chiến thuật: khai thác sự bất mãn, dựa vào cơ sở có sẵn tại địa phương, nương theo những tư tưởng cực đoan của Hồi giáo nguyên thủy lạc hậu. Nhờ mạng lưới tài chính dễ dàng, biên giới lỏng lẻo, nhân sự và tài vật lưu chuyển tự do, các nhóm khủng bố có thể trao đổi kinh nghiệm, tiếp tay lẫn nhau. Đó là lý do khiến IS sau khi bị đẩy lui ở Syria và Iraq đã chọn châu Á… làm địa bàn phát triển.

Theo một số chuyên gia khác, không riêng châu Á, mà châu Phi và châu Âu cũng đứng trước mối đe dọa của IS thế hệ 2, sau khi phong trào này bị mất đất ở Iraq và Syria.

IS từng tuyên bố cho ra đời một vương quốc và thực sự hình thành một vương quốc như vậy trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Trung Đông. Đó cũng là giá trị cốt lõi của IS và là mục tiêu tuyên truyền chiêu mộ hàng nghìn tay súng nước ngoài, đồng thời triển khai các cuộc tấn công đẫm máu. Dù bị đánh bại nhưng IS vẫn ra sức tuyên truyền trực tuyến tới những thành phần cực đoan ở xa rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, mà chỉ bước vào một giai đoạn mới.

Không chỉ vậy, IS còn tạo ra một cộng đồng “ảo” thu hút những người cảm thấy bị bỏ rơi, cô độc trong chính cộng đồng xã hội lao vào thực hiện các hành động man rợ. Vì thế, một loạt vụ đánh bom phối hợp nhằm vào các nhà thờ và khách sạn sang trọng ở Sri Lanka đã làm hơn 250 người chết hôm 21-4; hay ngày 25-5, lực lượng phiến quân Hồi giáo sát hại ít nhất 25 binh sĩ và một số dân thường trong một cuộc phục kích ở khu vực đông bắc Nigeria… minh chứng rõ nhất cho điều này.

Hay việc cảnh sát Indonesia vây bắt ít nhất 10 nghi can âm mưu tiến hành các vụ tấn công trong dịp Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia (KPU) công bố chính thức kết quả bầu cử tổng thống. Các đối tượng khai nhận đã lên kế hoạch tấn công những địa điểm tập trung đông người nhằm tạo ra sự hỗn loạn và thương vong nhiều nhất có thể.

Ở Philippines, tình hình có khác một chút nhưng nghiêm trọng hơn vì các nhóm thánh chiến không chỉ đặt bom mà còn bắt con tin và nhất là đủ sức mạnh đương đầu với quân đội thiếu kinh nghiệm tác chiến. Chính các tổ chức vũ trang ở Mindanao, đảo quê hương của Tổng thống Rodrigo Duterte, tự nguyện tuyên bố trung thành và nhận lệnh chỉ huy của IS giương cờ đen “caliphate” ở Marawi vào mùa hè năm 2017. Sau trận đánh đẫm máu suốt nhiều tháng, lực lượng thánh chiến bị đánh khỏi Marawi, nhưng ảnh hưởng của chúng đến nay vẫn không suy giảm ở Philippines.

Trong một báo cáo mới gửi nhóm tình báo địa chính trị Stratfor của Mỹ, chuyên gia phân tích Scott Stewart nói: “Tình thế hiện nay của IS không thể được đánh giá mà không có sự hiểu biết rằng đây là một phong trào ý thức hệ toàn cầu, chứ không đơn thuần là một thực thể tổ chức đơn lẻ”. Hiện tại, những phần lãnh thổ mà IS chiếm giữ đã bị loại bỏ nhờ nỗ lực kéo dài trong những năm qua của lực lượng liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, cộng đồng toàn cầu hình thành IS vẫn tồn tại. IS sở hữu các mạng lưới trên toàn thế giới và dựa vào “chân rết” đó để kiểm soát các thành viên của mình.

Điều đó cho thấy, cuộc chiến chống IS của cộng đồng quốc tế chưa kết thúc mà chỉ bước vào giai đoạn chuyển tiếp mới mà thôi.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.