Chuyến thăm mở đường nối lại đàm phán hạt nhân

.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới CHDCND Triều Tiên vào ngày 20 và 21-6. Chuyến thăm này có thể mở đường nối lại đàm phán Mỹ - Triều.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 10-1-2019.  Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 10-1-2019. Ảnh: Reuters

Hãng Tân Hoa xã xác nhận việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến Triều Tiên theo lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào hồi năm 2005. Trong khi đó, chỉ riêng năm ngoái, ông Kim Jong-un đã đến Trung Quốc 4 lần để gặp ông Tập Cận Bình. Còn ông Tập đến Triều Tiên vào năm 2008, lúc ông làm Phó Chủ tịch Trung Quốc.

Hãng Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết, các cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un vào năm ngoái “mở ra một chương mới cho mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên”. Trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên với hy vọng đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết những vướng mắc chung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trung Quốc và Triều Tiên đang tích cực hợp tác để cải thiện mối quan hệ song phương, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng vào năm 2016 và 2017. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt nói trên đã kích thích các hoạt động ngoại giao của ông Kim Jong-un từ đầu năm 2018.

Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un lần này diễn ra ngay trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Osaka (Nhật Bản) để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn dùng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để đàm phán với Mỹ về thương mại khi hai bên gặp gỡ ở Osaka.

Theo hãng AFP, Trung Quốc muốn dùng chuyến thăm Triều Tiên để nhắc nhở Washington về sự ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thế hai thế giới ở Bình Nhưỡng. GS. Jingdong Yuan, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Sydney (Úc) cho rằng, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp nước này vẫn là “một bên liên quan quan trọng”.

“Bạn không thể phớt lờ Trung Quốc và Trung Quốc có thể đóng vai trò rất quan trọng”, ông Jingdong Yuan nói với hãng AFP. Ông Jingdong Yuan cũng nhận định: Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể dùng chuyến đi để “mặc cả” với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Đối với Triều Tiên, điều mà nước này mong muốn đương nhiên là việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong khi Bình Nhưỡng đã có một số nhượng bộ về chương trình hạt nhân kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 ở Singapore. Đến nay, mặc dù Tổng thống Donald Trump tiếp tục ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên báo chí Mỹ, nhưng người đứng đầu Nhà Trắng chưa thay đổi quan điểm cứng rắn của mình về trừng phạt hay phi hạt nhân hóa. Vì vậy, ông Kim Jong-un muốn sự trợ giúp của Trung Quốc để gây áp lực với Mỹ, “xoa dịu” quan điểm cứng rắn đó.

Theo ông Wi Sung-lac, cựu đặc phái viên Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về hạt nhân (gồm các nước: Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản), ông Tập Cận Bình sẽ thúc giục ông Kim Jong-un thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn đối với đối thoại và kiềm chế các động thái như thử vũ khí. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hồi tháng 2 vừa qua, Bình Nhưỡng đã thử các tên lửa tầm ngắn.
Trong lúc đó, Hàn Quốc bày tỏ hy vọng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ góp phần sớm nối lại đàm phán Mỹ - Triều để hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa, thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.