Mỹ "cứng rắn" với Trung Quốc và Mexico

.

Mỹ đang gia tăng sức ép bằng thuế quan đối với Trung Quốc và Mexico, 2 trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Washington, với những lý do khác nhau: một bên là “cuộc chiến” nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo đảm an ninh quốc gia; một bên nhằm ngăn chặn người vượt biên lậu.

Một cửa hàng điện thoại Huawei ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một cửa hàng điện thoại Huawei ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thêm các khoản thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc nếu ông và Chủ tịch Tập Cận Bình không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng này. Tuần trước, người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, sau hội nghị G20, Mỹ sẽ quyết định có áp thuế đối với ít nhất 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hay không.

Ông Trump cũng dọa sẽ áp thuế nếu Quốc hội Mexico không phê chuẩn kế hoạch trong thỏa thuận di cư và an ninh mà hai nước vừa đạt được. Trước đó, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 5% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico từ ngày 10-6 và mức thuế này sẽ tăng dần lên đến 25% vào tháng 10 nếu Mexico không mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư tới Mỹ.

Với cả Trung Quốc lẫn Mexico, khả năng Mỹ áp thuế thêm hoặc áp thuế trở lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đó, “nóng bỏng” hơn hết là “thương chiến” Mỹ - Trung với hàng loạt động thái “ăn miếng trả miếng” trong thời gian qua.

Ngày 11-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả cứng rắn nếu Mỹ tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại leo thang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận về việc sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng cho biết sẽ công bố khi có thông tin. Ông Cảnh Sảng khẳng định: Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng cũng không sợ cuộc chiến thương mại. Nếu Mỹ đàm phán bình đẳng thì cánh cửa của Trung Quốc vẫn rộng mở, còn nếu không Bắc Kinh sẽ “chiến đấu đến cùng”.

Theo Reuters, Tổng thống Trump nhiều lần cho biết, ông sẵn sàng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20, nhưng Trung Quốc vẫn chưa xác nhận điều này. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang từ tháng 5 vừa qua khi chính phủ của ông Trump cáo buộc cường quốc châu Á không thực hiện cam kết thay đổi cấu trúc kinh tế sau nhiều tháng đối thoại.

Washington đưa tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào “danh sách đen thương mại”, đồng thời kêu gọi các đồng minh, trong đó có Vương quốc Anh, cấm Huawei với cáo buộc thiết bị của tập đoàn này có thể được Bắc Kinh sử dụng cho hoạt động gián điệp. Các nhà đầu tư lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách đưa các công ty Mỹ vào “danh sách đen”, hoặc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Song, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, nếu có tiến triển trong các đàm phán thương mại, ông Trump có thể nới lỏng lệnh cấm với Huawei.

Đối với Mexico, việc đạt được thỏa thuận về di cư giữa hai nước chẳng qua là “hiệp định đình chiến thương mại” để Mỹ tập trung đối phó với Trung Quốc, khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sắp diễn ra. Tổng thống Trump đã đình chỉ vô thời hạn kế hoạch áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa Mexico, nhưng không có nghĩa là quốc gia này hoàn toàn tránh được thuế quan, bởi người đứng đầu Nhà Trắng vẫn có quyền áp thuế trở lại.

Mexico đang thúc đẩy “các bước chưa từng có” nhằm ngăn chặn dòng người di cư tràn qua biên giới, trong đó có việc điều lực lượng Vệ binh quốc gia đến 11 thị trấn giáp biên giới với Guatemala; đưa ra chương trình tạo việc làm và bảo vệ quyền con người đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ. Tuy nhiên, giải quyết tận gốc rễ vấn đề người tị nạn Mỹ Latinh tràn sang biên giới để vào Mỹ là điều không đơn giản, dù Mexico có luật nhập cư mạnh và có thể dễ dàng ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

PHÚC KHANG

;
;
.
.
.
.
.