Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vì hòa bình bền vững

.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, thực sự trở thành đối tác vì hòa bình bền vững…

Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối.	 Ảnh: TTXVN
Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: TTXVN

Việt Nam được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu 192/193 tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ ngày 7-6 ở New York (Mỹ). Cùng với Estonia - đại diện Đông Âu, quốc đảo Saint Vincent và Grenadines - đại diện Nam Mỹ, Tunisia và Niger - đại diện châu Phi, Việt Nam - đại diện nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương, sẽ chính thức đảm nhiệm công việc tại HĐBA từ ngày từ 1-1-2020.

Đây là lần thứ hai Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ để đảm nhận trọng trách này, giúp Việt Nam phát huy những thành công trong nhiệm kỳ 10 năm trước (2008-2009); tiếp tục có những đóng góp tích cực, thực chất và có trách nhiệm đối với LHQ nói chung, HĐBA nói riêng trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế

Trong bài viết “Đối tác vì hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của LHQ trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từng trải qua những năm dài chiến tranh và hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, tạo dựng môi trường hòa bình cho phát triển, người dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm, có khả năng và đã sẵn sàng tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

“Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế đất nước, nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế, tự tin tiếp bước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác trên thế giới, thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết.

“Trách nhiệm kép”

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép”, cũng là cơ hội giúp Việt Nam thúc đẩy hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế.

Đại diện nhiều nước tại LHQ gửi lời chúc mừng Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norikazu Suzuki bày tỏ vui mừng và cho biết, Tokyo đang thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản “mong muốn cùng Việt Nam phát huy sự lãnh đạo tại khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương vì sự ổn định và phồn vinh” của khu vực.

Truyền thông quốc tế cũng có nhiều bài viết về vai trò và trách nhiệm của Việt Nam khi trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Tờ Washington Times nhận định: “Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế tăng lên đáng kể từ sau hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mà Việt Nam là nước chủ nhà cũng đã củng cố uy tín của Việt Nam”.

Tờ Mainichi của Nhật Bản đăng bài viết cho rằng, việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là bằng chứng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi các chính sách hòa bình và không phổ biến hạt nhân sau khi chịu đựng hậu quả chiến tranh”. Hơn nữa, Việt Nam cũng cho thấy tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người.

Trang mạng IANS của Ấn Độ nhấn mạnh, trên cương vị mới được bầu, Việt Nam có thể góp phần làm thay đổi động lực của HĐBA, cơ quan có sự chia rẽ trong nhiều năm nay. IANS dẫn lời Thứ trưởng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu khẳng định việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA cho thấy sự công nhận các nguyên tắc độc lập và hợp tác đang định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ nỗ lực không chỉ để đối phó với các thách thức truyền thống, mà cả các thách thức phi truyền thống mới nổi đối với an ninh quốc tế.

Trả lời câu hỏi của báo chí về những ưu tiên của Việt Nam trong việc đóng góp vào nghị trình của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) sau khi trúng cử Ủy viên không thường trực của cơ quan này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, HĐBA LHQ có vai trò hết sức quan trọng trong những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hòa bình, an ninh. Do đó, những đóng góp của Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở những chương trình nghị sự của HĐBA.

Ưu tiên của Việt Nam là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết những vấn đề toàn cầu, vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh. Đó là mục đích cao nhất mà Việt Nam mong muốn đóng góp vào HĐBA LHQ.

Đương nhiên, HĐBA sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề. Với vai trò, kinh nghiệm của mình, Việt Nam mong muốn đóng góp vào những vấn đề như giải quyết sau xung đột; vấn đề phụ nữ, trẻ em trong xung đột; xử lý bom mìn sau xung đột. Qua quá trình tham gia, Việt Nam thấy đây là những vấn đề quan trọng và là những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐBA.

Ngoài ra, mục đích của Việt Nam còn là xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, qua đó bảo đảm cho Việt Nam môi trường hòa bình để phát triển hơn nữa.

                                         TTXVN

VĨNH AN tổng hợp
 

;
;
.
.
.
.
.