Việc hai tàu chở dầu ở gần eo biển Hormuz bị tấn công có thể bằng ngư lôi vào ngày 13-6 ngay lập tức đẩy giá dầu thô của thế giới tăng. Vụ việc được cho là nghiêm trọng trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang.
Một tàu chở dầu bốc cháy trên vịnh Oman.Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, tàu chở dầu thứ nhất là Kokuka Courageous treo cờ Panama, chở 25.000 tấn methanol cùng 21 thủy thủ, bị tấn công hai loạt đạn trên vịnh Oman khi đang trên đường tới Singapore. Sau loạt đạn đầu tiên, tàu bốc cháy. Sau loạt đạn thứ hai, tàu bốc cháy dữ dội hơn và mạn phải bị hư hại nghiêm trọng. 21 thủy thủ được sơ tán.
Tàu chở dầu thứ hai là Front Altair treo cờ quần đảo Marshal, chở 75.000 tấn naphtha - loại nhiên liệu hydrocarbon dạng lỏng, đang trên đường tới Đài Loan thì bị tấn công cũng ở vịnh Oman và bốc cháy. 23 thủy thủ được tàu Hyundai Dubai hoạt động gần đó giải cứu và đều an toàn. Đài truyền hình Iran cho hay, 44 thủy thủ trên hai tàu đã được đưa đến cảng ở tỉnh Hormozgan, miền nam Iran.
Một tháng trước, ngày 12-5, 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc nhưng Tehran phủ nhận. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton lúc đó cho rằng, Iran chắc chắn đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu nhưng không cung cấp chứng cứ.
Lần này, Iran cũng bác bỏ mọi cáo buộc. Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mô tả vụ tấn công gần eo biển Hormuz là “đáng ngờ” bởi diễn ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm Iran và hội kiến Đại giáo chủ Ali Khamenei để tiến hành “các cuộc thảo luận tích cực và thân thiện”. Ông Zarif kêu gọi đối thoại khu vực nhằm tránh căng thẳng.
Chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm hay lý giải các tàu bị tấn công như thế nào. Công ty thương mại Biển Vương quốc Anh, thuộc Hải quân Hoàng gia Anh cho hay, một trong hai tàu bị tấn công bằng ngư lôi, nhưng một nguồn tin nói rằng một tàu bị hư hại vì mìn từ tính. Giá dầu thô của thế giới ngay lập tức tăng 4% sau khi có thông tin về các vụ tấn công, tức tăng lên 61,74 USD/thùng.
Vịnh Oman nằm ở lối vào Hormuz - eo biển án ngữ tuyến đường vận chuyển dầu thô quan trọng của thế giới. Eo biển này là tâm điểm chú ý trong lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng, bởi lệnh trừng phạt của Washington có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung dầu.
Tại thủ đô Tehran, lãnh đạo tối cao Khamenei cảnh báo, nếu Iran có kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân thì Mỹ cũng không thể làm được gì. Ông Khamenei còn nhấn mạnh, Iran không bao giờ tin tưởng Mỹ và sẽ không đàm phán dưới áp lực. Thủ tướng Abe cũng khuyến cáo bất kỳ xung đột nào cũng có thể đẩy căng thẳng Mỹ - Iran thêm leo thang.
Tại Tokyo, phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng, chuyến công du của ông Abe nhằm giúp giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông, chứ không đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran. Phát biểu này vô hình trung làm giảm kỳ vọng về thành công của “sứ mệnh hòa giải” khi ông Abe đến Tehran.
Căng thẳng càng dấy lên ở Trung Đông khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Mỹ và Đức) hồi năm 2015; đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ. Mỹ còn điều tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược B52 và tuyên bố sẽ phái 1.500 binh sĩ tới khu vực Trung Đông để đối phó với những gì được cho là “mối đe dọa” từ Iran. Phương Tây luôn lo ngại chương trình nguyên tử của Iran có thể dẫn đến việc phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Tehran khăng khăng chương trình này chỉ nhằm phục vụ các mục đích hòa bình.
PHÚC NGUYÊN