Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại thành phố Osaka (Nhật Bản) trưa 28-6 (giờ địa phương). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự với tư cách khách mời của nước chủ nhà.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) gặp gỡ Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên họp chính thức đầu tiên của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo thảo luận về triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…
Phát biểu tại phiên họp về đổi mới sáng tạo chiều 28-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số nhưng vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và nội luật quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; đồng thời nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.
Cũng trong ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp và trao đổi song phương với Chủ tịch Trung Quốc; các Tổng thống Mỹ, Chile; các Thủ tướng Ấn Độ, Canada; Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để trao đổi về các biện pháp tăng cường và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu.
Lãnh đạo các nước đều mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và muốn tăng cường phối hợp với Việt Nam tại tổ chức chính trị - an ninh quan trọng hàng đầu này. Lãnh đạo các nước cũng bày tỏ ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và mong thúc đẩy quan hệ với ASEAN, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên cam kết thúc đẩy các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những cuộc gặp trước đây; nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, tiếp tục tăng cường, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao G20. Ảnh: TTXVN |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng. Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng Mỹ sẽ sớm ký MOU (biên bản ghi nhớ) về hợp tác dài hạn, ở tầm chiến lược, quy mô lớn về năng lượng, nhập khẩu lớn từ Mỹ khí tự nhiên hóa lỏng...
Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng, đồng thời đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi. Tổng thống Mỹ khẳng định tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhất trí chia sẻ các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là phối hợp trong triển khai và tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác phát triển sang các lĩnh vực mới như: tài chính, công nghệ cao, nông nghiệp, năng lượng tái chế... Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định sẽ quan tâm thúc đẩy các biện pháp để tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang học tập nhiều hơn ở Canada.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phát huy hiệu quả, đưa vào chiều sâu quan hệ giữa hai nước về kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh quốc phòng, giáo dục-đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch và tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, ngày 30-6-2019 sẽ đi vào lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU khi hai bên ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA. Ông Juncker đánh giá cao những cam kết, nỗ lực thực thi của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và hợp tác hiệu quả với EU; đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định quan trọng này trong năm nay.
Các nền kinh tế G20 chiếm 2/3 dân số toàn cầu, nằm trên một nửa diện tích mặt đất của địa cầu, sản xuất 90% tổng sản phẩm toàn thế giới và 80% giao dịch thương mại quốc tế liên quan tới các nền kinh tế này. Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự hội nghị G20 tại Osaka. |
B.T tổng hợp