Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu Grace 1 của Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh vào sáng 4-7 theo yêu cầu của Mỹ, do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) khi chở dầu đến Syria. Vụ việc không những khiến mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Iran trở nên căng thẳng, mà còn làm phức tạp những nỗ lực của Anh, Pháp và Đức trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Báo The Telegraph cho biết, ngày 5-7, Iran yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu. Tehran cáo buộc London khuất phục trước sức ép của Mỹ trong việc phong tỏa dầu xuất khẩu của nước Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời triệu tập Đại sứ Anh Nicolas Hopton để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Moussavi cho rằng, động thái của Anh có thể làm gia tăng căng thẳng ở vịnh Persian, nơi có 6 tàu chở dầu bị tấn công trong thời gian gần đây, mà cả London lẫn Washington đều đổ lỗi cho Tehran đứng sau những vụ việc này.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Iran, ông Mousavi nói rằng, việc Anh bắt giữ tàu Iran là “kiểu hải tặc”, chứng tỏ London đang theo “các chính sách thù địch của Mỹ”. Hãng AP dẫn lời cựu lãnh đạo lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Mohsen Rezaei nhấn mạnh, Tehran nên xem xét việc bắt giữ một tàu chở dầu của Anh để đáp trả.
Trong khi đó, trên Twitter, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton mô tả động thái của Anh là “tuyệt vời”, bởi Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục ngăn chặn Iran (và Syria) “hưởng lợi từ những giao dịch bất hợp pháp”.
Tàu Grace 1 trọng tải 300.000 tấn, hiện mang cờ Panama và do một công ty có trụ sở tại Singapore sở hữu. Siêu tàu này xuất phát từ Iran, di chuyển qua mũi phía nam của châu Phi thay vì qua kênh đào Suez của Ai Cập. Nếu lượng dầu trên tàu được xác định là dầu thô của Iran chở đến Syria thì chuyến hàng vi phạm lệnh trừng phạt của EU và Mỹ. EU đã áp đặt các lệnh cấm đối với Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này.
BÌNH YÊN