Anh có thể vẫn "tay trắng" rời EU

.

Cả hai ứng cử viên Thủ tướng Anh đều khẳng định, Vương quốc này sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận. Trong lúc đó, không có dấu hiệu nào cho thấy EU sẵn sàng đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson hiện là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Anh.  Ảnh: Reuters
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson hiện là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hiện là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch đảng Bảo thủ khi 160.000 thành viên của đảng này nhóm họp để bầu lãnh đạo mới vào cuối tháng 7. Nếu giành chiến thắng, ông Johnson trở thành Thủ tướng của Anh, thay thế bà Theresa May - người sẽ từ chức trong tháng này vì thỏa thuận Brexit đã bị Quốc hội bác bỏ 3 lần. Cả ông Johnson lẫn đối thủ - Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt đều cam kết đưa Anh rời EU theo đúng kế hoạch vào ngày 31-10, dù có hay không có thỏa thuận.

Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May ký với EU vào tháng 11-2018 đã bị Quốc hội Anh bác bỏ 3 lần. Thời điểm Anh rời EU được gia hạn từ ngày 29-3 sang ngày 31-10. Trước thất bại này, bà May buộc phải từ chức, mở đường cho một nhà lãnh đạo mới tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc.

Khảo sát của YouGov hồi tháng 6 cho thấy, 54% số thành viên đảng Bảo thủ được hỏi cho biết, họ sẽ hài lòng khi đảng cầm quyền bảo đảm tiến trình Brexit vẫn diễn ra và thậm chí 61% chấp nhận kịch bản “tay trắng” rời EU với những thiệt hại cho nền kinh tế. Theo thăm dò khác của YouGov vào cuối tuần qua, 90% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng ông Johnson sẽ theo đuổi kịch bản không thỏa thuận, trong khi chỉ 27% số người tin ông Hunt có động thái này.

“Ông Johnson được xem là người chủ trương Brexit sẽ lãnh đạo nước Anh rời khối mà không cần thỏa thuận”, Giám đốc về nghiên cứu chính trị và xã hội của YouGov Anthony Wells nói. Kết quả bầu Chủ tịch đảng Bảo thủ sẽ được công bố vào cuối tháng 7, nghĩa là tân Thủ tướng chỉ có vỏn vẹn 3 tháng để thúc đẩy tiến trình Brexit. Theo các nhà quan sát, 3 tháng không đủ để giải quyết những vướng mắc lớn của thỏa thuận nên hoặc Anh “tay trắng” rời khối, hoặc Brexit sẽ không bao giờ diễn ra.

Song, Bộ trưởng Brexit của Anh, ông Stephen Barclay cảnh báo EU cần đàm phán lại thỏa thuận để tránh kịch bản Anh “tay trắng” ra đi. Ông Barclay kêu gọi tiếp tục đối thoại vì việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận sẽ gây khủng hoảng cho quốc gia này và cho cả EU.

Vấn đề gây tranh cãi nhất là việc duy trì biên giới mở giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh), bao gồm giải pháp “rào chắn” trong thỏa thuận mà Anh và EU đã ký kết. Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, việc vừa duy trì đường biên giới mở với Bắc Ireland, vừa duy trì tư cách thành viên của thị trường chung châu Âu sẽ rất khó khăn. Ireland và Ủy ban châu Âu (EC) đang thảo luận về cách thức bảo đảm mục tiêu này.

Tháng 3 vừa qua, Quốc hội Ireland thông qua dự luật lớn nhất từ trước tới nay để chuẩn bị tốt nhất cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Mới đây, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cũng nói rằng, quốc gia này sẽ thúc đẩy việc chuẩn bị kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Trong lúc đó, Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng, tân Thủ tướng của Anh nên tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về vấn đề Brexit và đảng này sẽ theo đuổi chiến dịch “Remain” (ở lại) để ngăn chặn nhà lãnh đạo mới đưa đất nước rời “mái nhà chung” trong tình trạng không có thỏa thuận, hoặc ngừng Brexit, mà không bảo vệ nền kinh tế và việc làm.

Đến thời điểm này, việc gia hạn Brexit thêm một lần nữa dường như là điều không thể, trừ khi Anh có lý do đặc biệt. Hiện cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy EU sẽ đàm phán lại với Anh về Brexit. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đang nỗ lực ngăn chặn Brexit không thỏa thuận nhưng nguy cơ này đang ở mức cao chưa từng có, khi đảng Bảo thủ bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên ủng hộ London gần gũi EU và một bên ủng hộ Brexit “cứng” - Brexit không thỏa thuận.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.