Indonesia trả hơn 210 tấn rác cho Úc

.

Ngày 9-7, giới chức Indonesia thông báo sẽ trả tổng cộng hơn 210 tấn rác thải cho Úc nhằm bảo vệ môi trường và cộng đồng. Đây là động thái cho thấy quyết tâm của quốc gia Đông Nam Á này để tránh trở thành “bãi rác” của các quốc gia phát triển.

Hãng AFP dẫn thông báo của cơ quan hải quan Đông Java cho biết, quyết định nói trên được đưa ra sau khi Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia phát hiện 8 container rác thải bị tịch thu ở thành phố Surabaya được dán nhãn chứa giấy vụn sạch, nhưng nhà chức trách tìm thấy các vật liệu độc hại và rác thải gia đình bao gồm: chai nhựa, bao bì, tã lót đã sử dụng, chất thải điện tử và vỏ lon. Số container này được Công ty Oceanic Multitrading của Úc chuyển đến Indonesia với sự hỗ trợ của một công ty sở tại. Các nhà chức trách Indonesia nêu rõ, quyết định gửi trả số rác thải nhằm “bảo vệ cộng đồng và môi trường khỏi rác thải B3” (tức các loại chất liệu độc hại và nguy hiểm).

Sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu rác nhựa nước ngoài vào đầu năm 2018, ngành công nghiệp tái chế rác toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhiều quốc gia phát triển tìm cách chuyển hướng xuất khẩu lượng lớn rác thải đến một số nước đang phát triển ở Đông Nam Á - nơi các hệ thống tái chế đang quá tải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuần trước, Indonesia thông báo sẽ gửi trả 49 container rác cho Pháp và các nước phát triển khác. Trong động thái tương tự, tháng 5-2019, Malaysia thông báo trả 450 tấn rác thải nhựa cho Úc, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và Mỹ. Philippines cũng đã trả khoảng 69 container rác cho Canada vào tháng trước.

Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được thải ra mỗi năm trên toàn cầu, phần lớn được chôn tại các bãi rác hoặc thải ra biển. Vấn nạn này đang gây ra khủng hoảng rác nhựa nghiêm trọng trên toàn thế giới.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.