Mỹ đang cân nhắc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong vòng 12 đến 18 tháng, trong trường hợp Triều Tiên đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại DMZ liên Triều. Ảnh: AFP |
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn một nguồn tin thân cận giấu tên trong Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với mặt hàng dệt may và than đá xuất khẩu của Triều Tiên, như một phần trong thỏa thuận nhằm phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân.
Đổi lại, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đồng ý dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân chính tại Yongbyon và ngừng toàn bộ chương trình vũ khí.
“Khi các cuộc đàm phán cấp chuyên viên khởi động lại, Nhà Trắng muốn đưa ra các điều kiện để có thể bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên”, nguồn tin tiết lộ cho hãng Yonhap.
Các lệnh trừng phạt sẽ được nối lại trong trường hợp Triều Tiên không đáp ứng được yêu cầu của phía Mỹ.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Seoul chuyên nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên đánh giá ý tưởng này là kết quả của các chuyên gia chính sách mong muốn tạo bước đột phá trong đàm phán phi hạt nhân.
“Nếu hiệu quả, đây có thể trở thành mô hình lý tưởng áp dụng cho các cơ sở hạt nhân còn lại của Triều Tiên và dần dần thực hiện từng bước cho đến khi toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân đóng lại và mọi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Quan trọng là nó cho phép Mỹ và Triều Tiên thăm dò ý định của nhau và xây dựng lòng tin, hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt”, nguồn tin nhận định.
Mỹ và Triều Tiên dự kiến có cuộc đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên trong 5 tháng, sau cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo vào hôm 30/6 tại khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các cuộc đàm phán này dự kiến nối lại trong giữa tháng Bảy.
Nguồn tin Yonhap nói Nhà Trắng rõ ràng muốn chủ động, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với một số nhượng bộ khác. Việc xác minh và kiểm tra xem tổ hợp Yongbyon đã được tháo dỡ hay chưa cũng như quá trình đóng băng hạt nhân có thể rất khó khăn. Hai bên cần phải có một thỏa thuận chi tiết. Thỏa thuận “đóng băng” mang ý nghĩa không chế tạo bất kỳ vật liệu phân hạch và đầu đạn nào nữa.
Theo nguồn tin của Yonhap, mục tiêu đầu tiên trong các cuộc đàm phán là chứng minh cho Triều Tiên thấy họ có thể tin tưởng Mỹ và quan hệ thù địch giữa cả hai bên chỉ là quá khứ. Giáo sư Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk, Hàn Quốc, kết luận Mỹ đang thể hiện sự mềm dẻo hơn trong việc tìm cách phá vỡ thế bế tắc khi Triều Tiên khăng khăng tiến hành đàm phán nên theo giai đoạn.
Theo Báo Tin tức