Rối rắm với các thương vụ vũ khí

.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp “tốt đẹp” bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) hồi tuần trước, nhưng mối quan hệ giữa hai đồng minh này vẫn căng thẳng vì những thương vụ vũ khí.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản).					                             		     Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Sau cuộc gặp ở Osaka, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xác nhận, người đứng đầu Nhà Trắng nói với ông rằng, Mỹ sẽ không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD của Nga. Ông Trump đổ lỗi người tiền nhiệm Barack Obama đã ngăn chặn việc bán hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy Ankara xích lại gần Nga…

Tất cả những gì được thông tin ở Osaka khiến dư luận tưởng mọi chuyện liên quan thương vụ S-400 chỉ là sự đụng độ nhỏ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Song kỳ thực, giới quan sát phương Tây cho rằng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và với NATO có thể rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ không có quan điểm miễn trừ hoặc hoãn lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Washington từng lặp lại nhiều lần rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể có được cả hai: cùng lúc mua máy bay tàng hình F-35 thế hệ mới của Mỹ lẫn hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Washington cũng cảnh báo, là đồng minh NATO, nếu ông Erdogan đứng về phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, căn cứ những điều khoản Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, viết tắt là CAATSA).

Đến nay, Mỹ đã tạm ngừng huấn luyện các phi công Thổ Nhĩ Kỳ về kỹ thuật điều khiển máy bay F-35, đồng thời hoãn việc giao hơn 100 máy bay F-35 trong đơn hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua tổng cộng 116 chiếc F-35. Ankara đã trả cho Mỹ 1,4 tỷ USD và 4 chiếc F-35 đã được bàn giao. Song, nhiều khả năng những chiếc còn lại không được giao. Vì vậy, ông Erdogan phản ứng gay gắt rằng Washington hành xử theo kiểu “ăn cướp” nếu không chịu thực hiện đơn hàng này.

Dĩ nhiên là một nước có chủ quyền, Thổ Nhĩ Kỳ được quyền lựa chọn mua sắm quốc phòng theo nhu cầu. Nhưng là một thành viên NATO, việc mua S-400 bị xem là “chọc lỗ thủng” vào mạng lưới an ninh cũng như đoàn kết của liên minh quân sự này.

Trong một đề xuất muộn, Mỹ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot thay thế S-400. Ông Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng theo trang CS Monitor, vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã cố tình “quên” việc Thổ Nhĩ Kỳ đã 3 lần từ chối mua Patriot vì những yêu cầu của họ về công nghệ và sản xuất không được đáp ứng.

Các hệ thống S-400 sẽ được đưa lên hai máy bay vận tải vào ngày 7-7 và chở tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8-7. Quyết định mua S-400 của Tổng thống Erdogan không chỉ mang tính công nghệ, mà còn mang tính chính trị. Đây là tín hiệu cho thấy sự không hài lòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh NATO khác về một loạt vấn đề xung đột trong thời gian qua. Hơn nữa, hợp đồng mua S-400 được cho là sự “xoay trục” trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xúc tiến việc mua S-400 và tất cả những dấu hiệu hiện nay đều cho thấy họ sẽ làm như vậy, tôi nghĩ điều này bắt đầu cho sự rã đám trong mối quan hệ lâu dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO”, ông Fadi Hakura, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Chatham House ở London (Anh) nhận định. Cũng theo ông Hakura: “Nhân tố quyết định trong vấn đề này không phải ông Trump, mà là Quốc hội Mỹ. Có sự đồng thuận hoàn toàn giữa hai đảng trong việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong số ít những vấn đề có thể nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng”.

Trong khi đó, theo ông Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, hoặc ông Erdogan phải hủy bỏ hợp đồng với Nga, hoặc không hủy. Thổ Nhĩ Kỳ không thể nào vừa có vũ khí Nga, lại vừa có máy bay F-35 của Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.