Ván cờ cân não S-400

.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận các thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga từ ngày 15-7 vừa qua và sẽ triển khai đầy đủ vào tháng 4-2020, như tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, được xem là “ván cờ cân não” giữa Washington, Ankara và Moscow.

Xét trên bình diện ngoại giao và địa chính trị, việc Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - mua vũ khí của Nga - về nguyên tắc là đối thủ của NATO - là một nghịch lý. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ, Washington tìm mọi cách can ngăn, rồi nổi giận đòi trừng phạt Ankara cũng là điều dễ hiểu. Giới phân tích phương Tây mô tả việc Ankara mua S-400 của Nga bằng hình tượng thú vị là “đưa sói vào bầy cừu” (?!).

Về phương diện quân sự, Mỹ và các thành viên NATO coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là khiêu khích. Bởi lẽ, S-400 là hệ thống vũ khí hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của khối, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống này đặt ra vấn đề tương thích và phối hợp hành động. Mỹ còn lo ngại thông qua S-400, Nga có thể thu thập thông tin tình báo khi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ 5 là F-35 (Ankara dự định mua khoảng 116 chiếc F-35 của Mỹ). Vì vậy, ngoài việc chịu trừng phạt theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị loại khỏi chương trình F-35.

Về câu hỏi vì sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngang nhiên đối đầu với Mỹ qua thương vụ S-400, giới quan sát đưa ra 4 lý do sau:

Một là, Tổng thống Erdogan dường như tin rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dám mở mặt trận thứ hai chống Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc căng thẳng với Iran.

Hai là, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc ngừng cung cấp F-35 chẳng khác gì hành động “ăn cắp”, bởi thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã chi trả 1,4 tỷ USD để mua 116 chiếc máy bay tàng hình này. Với hợp đồng “khủng” như thế, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn thứ ba của Mỹ, sau Nhật Bản và Anh.

Ba là, Thổ Nhĩ Kỳ còn là nhà cung cấp quan trọng trong chương trình chế tạo F-35. Ước tính có đến 936 loại linh kiện được chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp Nhà Trắng ban hành lệnh cấm vận, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sẽ khó khăn trong việc tìm các nhà cung cấp khác và như vậy có thể làm chậm một năm các dự án giao hàng.

Bốn là, một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng và có tính chất thiết yếu cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ chính là “bước ngoặt Syria”. Cuộc chiến tại đây cho thấy rõ hiệu quả hiển nhiên của hệ thống phòng không Nga. Sự sống còn của chế độ Bashar al-Assad cũng nhờ một phần lớn vào hệ thống tên lửa đất đối không này, răn đe những chiếc tiêm kích nào có ý định bay vào không phận Syria.

Tên lửa Nga hiệu quả, giá rẻ hơn hai lần so với tên lửa Patriot của Mỹ và nhất là được bán mà không cần những ràng buộc sử dụng. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, hơn chục nước khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, muốn sở hữu S-400.

Đối với Nga, thương vụ S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ là nước cờ đầy ngoạn mục và Moscow có thể mở rộng cung cấp S-400 cho các quốc gia khác có nhu cầu. Ông Derek Averre, chuyên gia về quân sự Nga tại Đại học Birmingham (Anh) nhận định, việc lan tràn hệ thống S-400 sẽ là một tin xấu cho Mỹ. Hệ thống này có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa và thậm chí cả máy bay không người lái trong phạm vi lên đến 400km. Trong kịch bản S-400 có mặt mọi nơi, Mỹ hoặc các đồng minh có thể thấy khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả bằng không quân của họ sẽ bị hạn chế. Đó là chưa kể việc Nga có thể chào mời khách hàng S-400 mua thêm các loại thiết bị khác của nước này, như máy bay Sukhoi - vốn được thiết kế để phối hợp với hệ thống phòng không.

Có thể nói, thương vụ S-400 giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “ván cờ cân não” mà các bên liên quan sử dụng nhằm khai thác lợi thế của bên này, yếu thế của bên kia. Nhưng nhìn tổng thể thì Nga nắm quân cờ quyết định và đang “thành công mỹ mãn”. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh khác trong NATO lại lúng túng...

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.