Cơ sở dầu của Saudi Arabia bị tấn công: Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông

.

Vụ tấn công hai nhà máy Abqaiq và Khurais ở Saudi Arabia khiến sản lượng dầu mỏ của Vương quốc này giảm 50%, có thể đẩy giá dầu thế giới tăng cao và làm leo thang khủng hoảng ở Trung Đông.  

Khói bốc lên từ nhà máy dầu Abqaiq khi cơ sở này bị tấn công. 					              Ảnh: Reuters
Khói bốc lên từ nhà máy dầu Abqaiq khi cơ sở này bị tấn công. Ảnh: Reuters

10 máy bay không người lái ngày 14-9 thực hiện chiến dịch tấn công quy mô lớn nhắm vào hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais, gây ra hỏa hoạn. Saudi Aramco, công ty dầu của nhà nước Saudi Arabia cho biết, việc sản xuất tại hai nhà máy tạm ngừng, sản lượng dầu của Vương quốc này theo đó giảm 50% (tương đương 5,7 triệu thùng/ngày, chiếm 6% lượng dầu cung cấp cho thế giới), dù các cơ sở này được khắc phục và hoạt động trở lại trong ngày 15-9 (giờ địa phương).

Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát nhận định, vụ tấn công gây sốc cho thị trường năng lượng thế giới bởi dự trữ dầu mỏ hiện tại của Saudi Arabia sẽ không đủ bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt. “Abqaiq có lẽ là cơ sở cung cấp dầu quan trọng nhất của thế giới”, ông Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm Năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ), từng làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama cho hay. Ông Bordoff cũng nhận định, nguy cơ căng thẳng leo thang do “ăn miếng trả miếng” ở khu vực sẽ đẩy giá dầu tăng cao.

Phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công nói trên nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại đổ lỗi cho Iran. Trên Twitter, ông Pompeo viết: “Không có bằng chứng cuộc tấn công đến từ Yemen”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ gọi đây là vụ tấn công chưa từng có do Iran tiến hành nhằm vào nguồn cung năng lượng của thế giới và chỉ trích Tehran đang thực hiện chính sách ngoại giao giả tạo. Ông Pompeo nhấn mạnh, Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh để bảo đảm Iran “phải chịu trách nhiệm về những hành động gây hấn”.

Theo hãng tin Reuters, những dòng tweet của ông Pompeo cho thấy quan điểm cứng rắn hơn của Mỹ đối với Iran sau những dấu hiệu “tan băng” trong mối quan hệ giữa hai nước. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Song, trong những tuần gần đây, người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, ông để ngỏ về một cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9 này. Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định, các cuộc đối thoại như thế có thể diễn ra mà không cần điều kiện gì.
Về phía Iran, Tổng thống Rouhani vẫn từ chối đàm phán với Mỹ cho đến khi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước ông. Ngày 15-9, Iran tức giận bác bỏ các cáo buộc liên quan vụ tấn công vào hai cơ sở dầu ở Saudi Arabia và cho rằng Mỹ đang tạo cớ để “hành động hơn nữa” nhằm chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo.

Hãng AFP dẫn lời Giám đốc Trung tâm Chính sách toàn cầu có trụ sở ở Washington Kamran Bokhari cho rằng, vụ việc là tình huống mới đặt ra cho Saudi Arabia. “Trong thời gian dài, họ không bao giờ có bất kỳ mối lo ngại nào về việc cơ sở dầu mỏ sẽ bị tấn công từ trên không”, ông Bokhari nói. Trước đây, khi xảy ra các vụ tấn công, Saudi Arabia thường quy trách nhiệm cho Iran và cáo buộc Tehran trang bị vũ khí cho Houthi. Hồi tháng 5, Houthi tấn công cơ sở dầu Shaybah và hai trạm bơm dầu của Saudi Arabia, gây hỏa hoạn nhưng không làm gián đoạn sản xuất.

Lúc này, chưa rõ ai là thủ phạm: Iran hay Houthi, nhưng những vụ việc như thế càng “đổ thêm dầu vào lửa”, trong lúc Trung Đông căng thẳng vì các vụ tấn công và bắt bớ tàu chở dầu mà Mỹ cũng như Saudi Arabia đều cáo buộc Iran có liên quan. Song, chuyên gia về Trung Đông James Dorsey cho rằng, việc tấn công “ăn miếng trả miếng” nhằm vào các cơ sở dầu của Iran sẽ không xảy ra, bởi Saudi Arabia không muốn xung đột với Tehran. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham, đồng minh của Tổng thống Trump thúc giục chính phủ xem xét khả năng tấn công Iran để trả đũa.

Theo chuyên gia phân tích Sandy Fielden tại Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu MorningStar, lượng dầu bị thiếu hụt, giá dầu thế giới sẽ tăng và Mỹ có thể gỡ bỏ lệnh trừng phạt, cho phép Iran nối lại hoạt động xuất khẩu dầu thô. Xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 8 chỉ còn 200.000 thùng/ngày, ít hơn rất nhiều so với con số 2,1 triệu thùng/ngày vào thời điểm tháng 8 năm ngoái.

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.