Hôm nay (17-9), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bước vào cuộc đua tìm kiếm nhiệm kỳ 5. Cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai trong năm nay ở quốc gia này không những quyết định sự nghiệp của ông Netanyahu mà còn tác động mạnh mẽ đến bức tranh chính trị ở Trung Đông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz - hai đối thủ chính trong cuộc bầu cử. Ảnh: EPA |
Theo AP, có 31 đảng tham gia tranh cử, nhưng chỉ 9 đảng có khả năng giành ghế trong Quốc hội 120 ghế. Trong cuộc đua với kết quả khó đoán, nếu giành chiến thắng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ không phải hầu tòa vì những cáo buộc trong 3 vụ án tham nhũng. Nếu kết quả tương tự cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4, nghĩa là đảng Likud của ông Netanyahu cùng các đảng cánh hữu và Do Thái chính thống giành được đa số ghế tại Quốc hội nhưng không thể thành lập được liên minh chính phủ, hoặc chiến thắng thuộc về đảng trung dung Xanh - Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu, sự nghiệp của ông Netanyahu - người nắm quyền lãnh đạo Israel hơn 13 năm qua xem như chấm dứt. Ông Netanyahu sẽ yêu cầu các đối tác liên minh trong tương lai cam kết ủng hộ quyền miễn trừ truy tố. Nếu không, ông sẽ ra hầu tòa và có thể phải từ chức.
Xuất hiện trên truyền hình Channel 12 cuối tuần qua, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích truyền thông chống lại ông và bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời cảnh báo đảng Likud sẽ thất bại. “Chiến thắng không nằm trong túi của chúng tôi”, ông Netanyahu nói. Vị chính trị gia sinh năm 1949 này khẳng định, chỉ một mình ông mới có thể lãnh đạo đất nước. Các áp-phích quảng bá chiến dịch tranh cử in hình ảnh ông ôm người bạn thân thiết - Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà lãnh đạo khác. Tuần trước, ông Netanayahu vội vã đến Sochi (Nga) để bàn thảo với Tổng thống Putin về vấn đề Iran và cùng hứa hẹn với Tổng thống Mỹ Donald Trump về một hiệp ước quốc phòng chung. Tất cả những động thái này nhằm đánh bóng tên tuổi của ông Netanayahu trước bầu cử.
Các thăm dò trước bầu cử cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Likud và đảng Xanh - Trắng sít sao nhau, nhưng cả hai đảng đều không chiếm đa số trong Quốc hội. Hai đảng sẽ có thể tìm cách lập liên minh với các đảng đồng minh nhỏ hơn. Một chính phủ hợp nhất giữa hai đảng lớn nhất là điều lý tưởng để tháo gỡ bế tắc chính trị, nhưng đảng Xanh - Trắng mới thành lập vào tháng 2-2019 đã loại trừ khả năng “bắt tay” với ông Netanyahu. Đảng này tuyên bố sẵn sàng hình thành đối tác với Likud dưới sự dẫn dắt của một lãnh đạo khác, chứ không phải ông Netanyahu - người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ và cứng rắn.
Nếu các đảng trung dung và cánh tả chiếm đa số trong Quốc hội, ông Benny Gantz sẽ lãnh đạo chính phủ mà không cần sự tham gia của phe cánh hữu. Theo đó, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ những năm 1990 phe cánh tả kiểm soát Quốc hội ở Israel. Song, theo các cuộc thăm dò, dường như cử tri không ủng hộ kịch bản như thế.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 4, đảng Likus giành được 36 ghế; đảng Xanh - Trắng có 35 ghế. Nhóm đảng cánh hữu do Likud đứng đầu giành được tổng cộng 65 ghế, vượt quá số ghế cần thiết là 61/120 ghế để giành quyền thành lập chính phủ liên minh. Sau đó, sự “quay lưng” của đảng Do Thái cực hữu Yisrael Beiteinu (tạm dịch “Israel - ngôi nhà của chúng ta”) của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman khiến ông Netanyahu không thành lập được liên minh chính phủ, phải giải tán Quốc hội và ấn định thời điểm bầu cử mới là ngày 17-9. Giờ đây, cử tri một lần nữa đi bỏ phiếu trong “cuộc trưng cầu dân ý” về ông Netanyahu.
Vài ngày trước, tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu về việc sáp nhập thung lũng Jordan và phía bắc Biển Chết tại vùng Bờ Tây bị chiếm đóng nếu ông tái đắc cử đã vấp phải phản ứng của thế giới Arab, Palestine, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc. Ngày 15-9, ông Netanyahu triệu tập cuộc họp nội các lần cuối cùng trước lúc bầu cử và chính phủ đã thông qua việc xây dựng khu định cư Mevoot Yericho ở thung lũng Jordan. Ông Netanyahu cũng thông báo ý định mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây mở rộng nhưng phải phối hợp với Tổng thống Donald Trump. Kế hoạch mở rộng khu định cư này phủ bóng lên triển vọng về giải pháp hai nhà nước - vấn đề mấu chốt trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Người dân Palestine muốn thung lũng Jordan - vùng đất rộng lớn bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh năm 1967 - là một phần của nhà nước Palestine trong tương lai nên chắc chắn không chấp nhận câu chuyện áp đặt chủ quyền, đồng thời sẽ tẩy chay kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ công bố.
THIÊN BÌNH