Việt Nam - nền kinh tế ổn định ở Đông Nam Á

.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế ổn định và tăng trưởng tốt nhất khu vực, bất kể tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động trong thời gian gần đây.

Đại diện 11 nước tham gia lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago, Chile. 	 Ảnh: Nikkei Asian Review
Đại diện 11 nước tham gia lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago, Chile. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào giữa tháng 7-2019, các biến động của kinh tế thế giới trong năm 2018 (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, tài chính bất ổn...) đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Song, với tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 7,1%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng cao.

Số liệu của Cục Thống kê cho thấy trong quý 2-2019, GDP cả nước tăng trưởng 6,71%. Tuy tăng trưởng chững lại so với năm 2018 nhưng theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đây vẫn là một trong những con số cao nhất khu vực Đông Nam Á và Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay với tốc độ tăng trưởng 6,8%. Nhà phân tích kiêm trợ lý Phó Chủ tịch Moody’s (một trong 3 công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới) Rebaca Tan, GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,7% năm 2019; 6,5% năm 2020 và tiếp tục là nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong báo cáo phụ trương Tầm nhìn phát triển châu Á lần thứ 7-2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2019 của Singapore, Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, triển vọng của ba nước ASEAN khác gồm Indonesia (5,2%), Malaysia (4,5%) và Việt Nam (6,8%) vẫn được giữ nguyên so với dự báo trước đó.

Trong ấn bản bổ sung của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2019 công bố vào tháng 7, các chuyên gia của ADB cho rằng, yếu tố quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam là lực hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 5 tháng đầu năm, FDI vào Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến một số nhà sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng 6%, trong đó riêng xuất khẩu sang Mỹ tăng 28%.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, để giữ tăng trưởng ổn định, Việt Nam không thể thụ động chờ đợi tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Moody’s đánh giá cao tính ổn định của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc bình ổn tỷ giá, bảo đảm tính linh hoạt cho đồng tiền Việt trong bối cảnh chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ bùng nổ.

Theo kết quả nghiên cứu trong báo cáo kinh tế toàn cầu quý 3-2019 của Ngân hàng Standard Charter (SCB), động lực chính của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là ngành sản xuất do khối FDI dẫn đầu cùng xuất khẩu tăng trưởng. Bên cạnh đó, ngành du lịch phát triển, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng (do thu nhập trung bình tăng) cũng giúp duy trì sự phát triển kinh tế trong thời gian dài. SCB dự báo trong giai đoạn 2020-2030, Việt Nam là 1 trong 7 nước trên thế giới sẽ vào “nhóm 7%” (tức có nền kinh tế mạnh gấp đôi sau mỗi thập niên). Các chuyên gia của SCB cho hay, nhiều “con hổ châu Á” lớn mạnh nhờ mô hình tăng tiết kiệm, từ đó đầu tư hiệu quả cho các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu. Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Campuchia đang đi theo đúng mô hình này.

Trong một thời gian dài, Việt Nam được biết đến như một quốc gia có lao động giá rẻ, dân số trẻ, chính trị ổn định và vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 1-7 vừa qua tại Hà Nội, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhận định, đây không phải là các yếu tố khiến kinh tế Việt Nam tăng tốc. “Thay vào đó, chính việc có những chính sách tốt mới là yếu tố quan trọng nhất. Có 3 điều Việt Nam đã làm thành công: một là tự do hóa thương mại mạnh mẽ; hai là cải cách kinh tế trong nước bằng việc giảm thiểu các quy định, chế tài và chi phí kinh doanh; ba là tập trung đầu tư vào con người và cơ sở hạ tầng”, ông Eckardt nói.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Ông Teng Theng Dar, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân châu Á từng phát biểu tại một hội nghị Giám đốc Tài chính thế giới ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm ngoái rằng, bài toán lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là làm thế nào để đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Để làm được điều này, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng 6,8%.  Đồ họa: Thanh Huyền
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng 6,8%. Đồ họa: Thanh Huyền

Cơ sở hạ tầng vĩ mô đang là điểm yếu của Việt Nam. Trong thế giới đầy sự thay đổi, Việt Nam nên trở thành một trong những môi trường đầu tư an toàn nhất càng sớm càng tốt”, ông Teng Theng Dar nói. Trong khi đó, GS. Ian Alexxander Eddie (VinaCapital & RMIT) cho rằng, năng lực kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu đến từ khối FDI. Do vậy, cần củng cố sức mạnh của doanh nghiệp Việt bằng việc nâng cao giáo dục và năng lực quản lý cho doanh nhân. “Cần hướng về thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và 600 triệu dân của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng kỹ năng lao động, từ đó mới có thể nắm bắt được các cơ hội trong khu vực trước khi đi xa hơn”, ông Eddie khẳng định.

Báo cáo Tiêu điểm kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) cũng khuyến cáo, Việt Nam cần cải cách cơ cấu để cải thiện khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước hơn nữa, cũng như bảo đảm giáo dục và đào tạo đầy đủ để tăng khả năng mở rộng sản xuất. Có như vậy, kinh tế Việt Nam mới phát triển bền vững.

Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương”

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu khi công bố báo cáo của WB về tình hình kinh tế của Việt Nam tại Hà Nội ngày 1-7-2019

Ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam, hứa hẹn mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
CPTPP với 11 nước thành viên, chiếm 13,4% tổng giá trị GDP toàn cầu trở thành khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên toàn cầu, sau Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh châu Âu (EU). Xét về góc độ cam kết, CPTPP được các chuyên gia đánh giá là hiệp định hợp tác tiến xa nhất và toàn diện nhất ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như chiến lược dài hạn nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
;
;
.
.
.
.
.