Bầu cử sớm: Phép thử với Thủ tướng Anh

.

Vương quốc Anh sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 12-12 tới. Đây là “canh bạc” đầy rủi ro cho Thủ tướng Boris Johnson mặc dù đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ.

Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn muốn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit (trái), còn Thủ tướng Boris Johnson (phải) muốn đoàn kết nước Anh và hoàn thành Brexit. Ảnh: AP
Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn muốn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit (trái), còn Thủ tướng Boris Johnson (phải) muốn đoàn kết nước Anh và hoàn thành Brexit. Ảnh: AP

Hãng tin Bloomberg cho rằng, với cuộc bầu cử vào ngày 12-12, lần thứ ba người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu bầu chính phủ mới trong vòng 4,5 năm. Giữa lúc biến động về chính trị và hiến pháp chưa từng có ở Anh, giới phân tích cho rằng sẽ khó dự đoán kết quả bầu cử.

Kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi năm 2016 đến nay, Anh vẫn chưa thể hoàn tất vụ “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU). Sau nhiều nỗ lực, vượt qua bao sức ép, Thủ tướng Boris Johnson cuối cùng cũng thuyết phục được Hạ viện Anh chấp thuận tổ chức bầu cử sớm. Vì vậy, bầu cử lần này chẳng khác gì cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, là cơ hội cuối cùng để cử tri chọn các chính trị gia ủng hộ ở lại EU, hay những người chủ trương rời “mái nhà chung” ngay lập tức.

Thủ tướng Johnson cho rằng, bầu cử là cách duy nhất để thúc đẩy tiến trình Brexit, tháo gỡ thế bế tắc trong Quốc hội vốn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và tâm trạng của người dân Anh. Bầu cử cũng là sự lựa chọn duy nhất của ông Johnson sau khi các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận Brexit mà nhà lãnh đạo này đạt được với EU. Song, hãng AFP nhận định, đây là phép thử và là “canh bạc” cho ông Johnson, người đang lãnh đạo chính phủ Bảo thủ thiểu số. Trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ so với Công đảng và ông Johnson hy vọng có thể giành đa số ghế ở Hạ viện để thúc đẩy kế hoạch Brexit. Song, việc ông không giữ đúng cam kết “sống hay chết” cũng rời EU vào ngày 31-10 sẽ dẫn đến những phản ứng.

Nếu không đảng nào giành chiến thắng, tương lai của Brexit sẽ bị treo lơ lửng với những phương án khác nhau, từ việc rời đi không thỏa thuận cho đến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, tất cả đều có thể hủy hoại toàn bộ tiến trình “ly hôn”. Vì vậy, kết quả bầu cử dự kiến được công bố vào ngày 13-12 sẽ có thể quyết định số phận của Brexit.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn chủ trương tiến hành cuộc trưng cầu dân ý với lựa chọn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit. Hai đảng nhỏ khác gồm đảng Tự do dân chủ hay đảng Dân tộc Scotland (SNP) cũng muốn hủy bỏ tiến trình này và ở lại EU.

Bà Theresa May, người tiền nhiệm của ông Johnson, cũng từng tổ chức bầu cử sớm vào năm 2017 và mất thế đa số trong Quốc hội. Thất bại này đã ngăn cản những nỗ lực phê chuẩn thỏa thuận Brexit, để rồi dẫn đến việc bà May phải rời nhiệm sở.

Chuyên gia John Curtice ở Đại học Strathclyd tại Glasgow (Anh) cho rằng, Thủ tướng Johnson có ưu thế giành đa số, nhưng bầu cử vẫn là một “canh bạc” đối với nhà lãnh đạo 55 tuổi này. “Ông Boris phải chiến thắng. Nếu Quốc hội “treo” thì ông Boris phải từ nhiệm”, ông Curtice nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.