Ngày 29-10, sau nhiều nỗ lực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có thể thuyết phục hạ viện nước này chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 22-10-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 29-10, sau nhiều nỗ lực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có thể thuyết phục hạ viện nước này chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới.
Giới chuyên gia cho rằng dù đạt được điều mong muốn, nhưng một cuộc bầu cử sớm cũng không khác gì "canh bạc" với ông Johnson bởi đây được cho là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất tại Anh trong nhiều năm qua.
Khi tính đến một cuộc bầu cử sớm, ông Johnson hy vọng có thể giành được đủ số ghế tại hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và tại nhiệm, bởi hiện nay đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Johnson đã mất thế đa số. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, các đảng đối lập có thể sẽ liên minh và cản trở tiến trình Brexit.
Hiện hạn chót mới cho Brexit là 31-1-2020, chỉ vài tuần sau ngày bầu cử dự kiến diễn ra vào 12-12 tới.
Ông Johnson nhiều khả năng sẽ thực hiện chiến dịch vận động bầu cử dựa trên cam kết hoàn thành Brexit, kêu gọi bỏ phiếu để đảng Bảo thủ có đủ thế đa số giúp thúc đẩy thỏa thuận mà ông đã ký với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Công đảng đối lập cam kết sẽ đàm phán một thỏa thuận mới với EU và đưa thỏa thuận ra trưng cầu ý dân với lựa chọn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit. Việc hủy bỏ tiến trình này cũng là quan điểm của một số đảng nhỏ như đảng Tự do dân chủ hay đảng SNP ở vùng Scotland. Vì vậy, tương lai Brexit sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới.
Cuộc bầu cử sắp tới cũng được coi là bài kiểm tra tín nhiệm của người dân với Thủ tướng Johnson sau khi ông này lên cầm quyền hồi tháng 7 vừa qua nhờ một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng cầm quyền.
Hiện đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và nếu có thể duy trì phong độ thì đảng này có khả năng giành thế đa số sau cuộc bầu cử sắp tới. Các kết quả thăm dò cho thấy việc chính phủ của Thủ tướng Johnson đạt được thỏa thuận sau quá trình đàm phán khó khăn với EU đã giúp đảng cầm quyền giành lại niềm tin của nhiều cử tri ủng hộ Brexit.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Johnson không thể đảm bảo cam kết thực hiện Brexit đúng hạn vào ngày 31-10 có thể sẽ tác động nhiều tới tâm lý cử tri, trong khi sự cạnh tranh từ đảng Brexit mới thành lập của ông Nigel Farage đang ngày càng mạnh.
Ngoài ra, tư tưởng luôn ủng hộ Brexit cũng có thể khiến đảng Bảo thủ mất đi sự ủng hộ của những cử tri trung thành với EU ở miền Nam và ở Scotland.
Công đảng đối lập tham gia bầu cử lần này với cam kết sẽ tìm kiếm thỏa thuận Brexit mới và đưa ra trưng cầu ý dân nhưng không nêu kế hoạch vận động cụ thể.
Lãnh đạo đảng, ông Jeremy Corbyn từng gây ngạc nhiên trong cuộc bầu cử năm 2017 khi Công đảng giành được kết quả cao ngoài mong đợi. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chỉ có "phép màu" mới giúp Công đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhiều thành viên Công đảng cũng không tán thành kế hoạch bầu cử sớm vì lo ngại đảng này sẽ chịu thất bại nặng nề.
Theo TTXVN/Vietnam+