Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tạo lực đẩy mới cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo các nhà phân tích, hiệp định này có thể đạt những bước tiến lớn, thậm chí sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok (Thái Lan) từ ngày 31-10 đến 4-11.
Hãng Reuters cho rằng, RCEP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 16 quốc gia thành viên, chiếm 1/3 GDP toàn cầu và gần 1/2 dân số thế giới. RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).
Tiến triển của RCEP từng diễn ra chậm bởi những mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên, điển hình như việc Ấn Độ quan ngại về tình trạng nhập siêu hàng hóa Trung Quốc. Song, trong năm 2019, tốc độ thảo luận các vấn đề còn lại của RCEP được đẩy nhanh bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra nhiều lo ngại về tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực. Ông Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (Viện Yusof Ishak, Singapore) cho rằng, RCEP đang có đà tiến triển và nhiệm vụ của các chính trị gia là đưa hiệp định này đến thành công.
Ông Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á (Singapore) nhận định, căng thẳng thương mại là những dấu hiệu cảnh báo cuối cùng cho thấy châu Á cần một nền tảng chung, một nơi để giải quyết các vấn đề kinh tế. Theo ông Elms, các nhà lãnh đạo sẽ bỏ qua cơ hội lớn nếu không ký kết thành công RCEP tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này.
KHANG NINH