Brazil xích lại gần Trung Quốc

.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Brazil ngày 13 và 14-11 đánh dấu sự phục hồi quan hệ giữa quốc gia lớn nhất khu vực Nam Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro muốn tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và tránh làm phiền đồng minh Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tặng quà lưu niệm cho Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khi nhà lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh đến Bắc Kinh hồi tháng 10.  							              Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tặng quà lưu niệm cho Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khi nhà lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh đến Bắc Kinh hồi tháng 10. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AFP, chỉ vài tuần sau chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở thủ đô Brasilia trước thềm hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Cuộc gặp gỡ song phương diễn ra trong lúc thương chiến Mỹ - Trung gây tác động đến nền kinh tế toàn cầu. 11 tháng trên cương vị Tổng thống, ông Bolsonaro chịu nhiều áp lực từ các ngành thịt bò, nông nghiệp và khai thác khoáng sản trong nước nên ông có lý do để duy trì tốt mối quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Mỹ Latinh này từ năm 2009.

Với hội nghị thượng đỉnh BRICS vào ngày 13 và 14-11 (giờ Brasilia), đây là lần đầu tiên Tổng thống Bolsonaro chủ trì một hội nghị quốc tế lớn kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2019. Hãng AFP dẫn lời ông Luis Fernandes, Trung tâm Chính sách BRICS tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) cho rằng, điều này có thể giúp ông Bolsonaro hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình mà không cần thể hiện sự trung thành với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Fernandes nhận định, Tổng thống Bolsonaro muốn duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng vẫn muốn giữ các kênh hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Trong khi đó, GS. Oliver Stuenkel về quan hệ quốc tế tại Tổ chức Getulio Vargas cho rằng, cuộc gặp tại Brasilia có thể đánh dấu chặng đường mới trong quan hệ giữa Brazil và Trung Quốc sau những khủng hoảng trong nhiều thập niên qua. “Tương lai của Brazil phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn Mỹ”, GS.

Stuenkel nói với AFP và nhận định, việc phụ thuộc vào Brazil cũng là mối quan hệ chiến lược lâu dài đối với Trung Quốc.

Trong lúc thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, Brazil nổi lên là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh cần mua nhiều nông sản của quốc gia Nam Mỹ này để thay thế nông sản của Washington. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Brazil và Trung Quốc đạt 98,7 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc ở Brazil khoảng 60 tỷ USD.

Cũng theo AFP, hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ tập trung vấn đề tăng trưởng và đổi mới kinh tế. Tuần trước, các nhà ngoại giao của Brazil vạch ra chương trình nghị sự còn có vấn đề hợp tác chống khủng bố và tham nhũng.

Song, sự chênh lệch lớn về sức mạnh kinh tế giữa các thành viên BRICS và sự khác biệt sâu sắc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng Venezuela đặt ra những câu hỏi về vị thế và tương lai của tổ chức được thành lập từ năm 2001 này. Tháng 10 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đánh giá, BRICS “có thể không còn ý nghĩa”. Tuy nhiên, theo GS. Oliver Stuenkel, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho thấy sự cần thiết của BRICS, đồng thời khối này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh và Moscow.

Chẳng hạn, theo lý giải của GS. Stuenkel, với Trung Quốc, BRICS là một trụ cột trong mô hình trật tự quốc tế mà Bắc Kinh giữ vai trò trung tâm hơn. Với Ấn Độ, Thủ tướng Modi chủ trương thúc đẩy ngoại giao đa phương bằng cách tăng cường tiếng nói tại một tổ chức của 3 châu lục và BRICS là một hình mẫu như thế. “Họ rất hài lòng khi tham gia BRICS”, GS. Stuenkel nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.