Sau 3 tuần tuyên bố tái đắc cử, Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 10-11 (giờ địa phương) từ chức khi không còn sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát, đồng thời nói rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính.
Ông Evo Morales không còn nhận được sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại buổi họp báo ở La Paz, ông Morales cho biết, ông phải từ chức để tránh cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước. Ông chỉ trích phe đối lập rằng “các thế lực đen tối đã phá hoại nền dân chủ” và cáo buộc họ lên kế hoạch đảo chính. Trên Twitter, ông Morales cho rằng, lệnh bắt giữ ông mà cảnh sát công bố mới đây là phi pháp và lên án vụ tấn công nhằm vào nhà riêng của ông. Ngày 10-11, các nhóm đối tượng thậm chí tấn công cả trụ sở đại sứ quán các nước Venezuela, Cuba và Mexico tại La Paz.
Ông Morales làm Tổng thống Bolivia từ năm 2006. Dưới thời ông, quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất khu vực và tỷ lệ nghèo đói giảm một nửa.
Bolivia rơi vào khủng hoảng chính trị sau cuộc bầu cử hôm 20-10. Tổng thống Morales giành chiến thắng với 47,08% số phiếu ủng hộ, so với 36,51% của ứng cử viên đối lập Carlos Mesa. Theo đó, ông Morales tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp ngay tại vòng 1.
Tuy nhiên, phe đối lập phát động biểu tình, cáo buộc có gian lận trong bầu cử. Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã công bố kết quả kiểm toán sơ bộ cho thấy có những sai sót bảo mật nghiêm trọng và sự thao túng trên hệ thống máy tính, ảnh hưởng đến kết quả kiểm phiếu. Ông Morales đã đề nghị tổ chức bỏ phiếu lại nhưng cũng không thể xoa dịu làn sóng biểu tình. Song, nguyên nhân chính được cho là do lực lượng cảnh sát đứng về phía người biểu tình, còn quân đội tuyên bố Hiến pháp không cho phép họ đụng độ với người dân. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman đã kêu gọi ông Morales từ chức để mang lại “sự bình yên và duy trì ổn định cho Bolivia”.
Nhiều nước Mỹ Latinh bày tỏ sự ủng hộ ông Morales. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã lên án “cuộc đảo chính” ở Bolivia. Chính phủ Colombia kêu gọi OAS họp khẩn nhằm hỗ trợ tìm giải pháp về tình hình Bolivia. Phó Tổng thống Bolivia Álvaro García Linera cùng hàng loạt quan chức cấp cao khác đã đệ đơn từ chức, trong đó có Bộ trưởng Khai thác mỏ César Navarro, Bộ trưởng Khí đốt Luis Alberto Sánchez.
Theo luật pháp Bolivia, nếu không có Tổng thống và Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện sẽ tạm thời nắm quyền. Song, Chủ tịch Thượng viện Bolivia Adriân Salvatierra cũng từ chức vào tối 10-11. Theo Reuters, các nhà lập pháp Bolivia sẽ họp để thống nhất ai nắm quyền điều hành đất nước trong thời gian tới.
KHANG NINH