Chuyến thăm hàn gắn quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Mỹ để gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 13-11 nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) ngày 29-6-2019. 		Ảnh: armenianweekly.com
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) ngày 29-6-2019. Ảnh: armenianweekly.com

Theo hãng Reuters, năm 2012, khi khánh thành Tháp Trump ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tỷ phú Donald Trump ca ngợi ông Recep Tayyip Erdogan lúc đó làm Thủ tướng rằng, nhà lãnh đạo này “đáng được tôn trọng” trên khắp thế giới.

Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2017, ông Trump công khai khen ngợi ông Erdogan lúc bấy giờ làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và gọi nhà lãnh đạo Ankara là “bạn”. Reuters cho rằng, với nền tảng tốt đẹp đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dù căng thẳng, bất đồng gay gắt về nhiều vấn đề trong thời gian qua, nhưng không hoàn toàn sụp đổ. Cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 13-11 minh chứng điều đó.

Mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng đỉnh điểm trong tháng qua xung quanh vấn đề Syria, sau khi Tổng thống Erdogan bắt đầu chiến dịch ở đông bắc quốc gia Trung Đông này. Ông Erdogan muốn tiêu diệt người Kurd, vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và thay thế sự hiện diện của Washington tại khu vực đông bắc.

Trước đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vì Ankara quyết mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bất chấp những đe dọa trừng phạt của Washington. Tháng 7 và tháng 9-2019, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt tiếp nhận các lô S-400 từ Nga. Đáp lại, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay tàng hình F-35, dù Ankara là nhà đồng sản xuất và tiêu thụ loại máy bay này. Washington muốn Ankara mua hệ thống tên lửa Patriot để thay thế S-400. Song đến nay, Mỹ vẫn chưa áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh thương vụ này.

Sự chần chừ của Tổng thống Trump khiến Quốc hội Mỹ phẫn nộ. Ngày 10-11, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cảnh báo, Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt nếu Ankara không từ bỏ thương vụ với Moscow.

Không những thế, căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn liên quan cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 mà Ankara cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen, sống lưu vong ở Mỹ, đứng sau vụ việc. Ngoài ra, Ankara muốn Washington ngừng cáo buộc Ngân hàng Halkbank thuộc sở hữu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các giao dịch với Iran.

Với hàng loạt bất đồng như thế, Tổng thống Erdogan sẽ không dễ hoàn thành “sứ mệnh” hàn gắn quan hệ với Mỹ. Phát biểu với báo giới trước khi lên máy bay đến Washington, ông Erdogan khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với cường quốc hàng đầu thế giới, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết, mục tiêu chính của Tổng thống Trump trong cuộc gặp ngày 13-11 là thuyết phục người đồng cấp Erdogan từ bỏ S-400 và ngừng bắn vĩnh viễn ở Syria. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý, Mỹ có thể cho phép Ankara trở lại chương trình F-35 và đề nghị ký thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD. Song, theo Reuters, không có dấu hiệu cho thấy ông Erdogan sẽ nhượng bộ. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Việc Ankara lùi bước trong thương vụ S-400 không có trên bàn nghị sự”. Ông Erdogan cũng sẽ nói với ông Trump rằng, Washington cần làm nhiều hơn nữa để thực thi thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước đạt được nhằm đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công lực lượng người Kurd ở Syria.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, từ cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, Ankara vẫn hy vọng mối quan hệ song phương sẽ ấm lên, nhất là khi Tổng thống Trump vẫn dành nhiều thiện cảm về ông Erdogan. “Với sự ủng hộ của cá nhân ông Trump, tôi tin rằng chuyến thăm (của ông Erdogan) sẽ góp phần khắc phục các vấn đề”, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.