Đàm phán Mỹ - Triều "dậm chân tại chỗ"

.

Thời hạn cuối để Mỹ đưa ra thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sắp hết, nhưng tiến trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Nhà Trắng đề xuất sẽ đối thoại trong tháng 12 tại một nước thứ ba nhưng thực tế ít có triển vọng về một thỏa thuận.

Mỹ đề nghị đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ diễn ra vào tháng 12 tại một nước thứ ba. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ gặp gỡ tại khu vực biên giới liên Triều tháng 6-2019. 	Ảnh: Reuters
Mỹ đề nghị đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ diễn ra vào tháng 12 tại một nước thứ ba. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ gặp gỡ tại khu vực biên giới liên Triều tháng 6-2019. Ảnh: Reuters

Báo chí CHDCND Triều Tiên cho biết, Mỹ đề xuất nối lại đàm phán hạt nhân vào tháng 12 tới khi hai nước tiến gần đến thời hạn cuối để Washington đưa ra một thỏa thuận có thể chấp nhận được. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi Bình Nhưỡng một thông điệp, trong đó đề xuất quan chức hai bên sẽ gặp gỡ vào tháng 12 tới thông qua một nước thứ ba.

Nhà đàm phán của Triều Tiên Kim Myong Gil không nói rõ liệu nước này có chấp nhận đề nghị của Mỹ hay không. Ông Kim Myong Gil cho hay, Triều Tiên không quan tâm đến đàm phán nếu Mỹ chỉ muốn “câu thời gian” mà không bàn thảo giải pháp. Ông kêu gọi đối thoại trực tiếp với Mỹ “tại bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào”, đồng thời muốn cường quốc hàng đầu thế giới đưa ra giải pháp cơ bản để hủy bỏ “chính sách thù địch” chống lại nước ông.

Đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 2 vừa qua. Tháng 10, Washington và Bình Nhưỡng tiến hành đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên ở Stockholm (Thụy Điển), nhưng cuộc đàm phán một lần nữa đổ vỡ. Lúc đó, Mỹ nói rằng hai bên đã có “các cuộc thảo luận tốt đẹp”, nhưng Triều Tiên chỉ trích “quan điểm cũ và cứng nhắc” của Washington là nguyên nhân dẫn đến đàm phán thất bại. Ông Kim Jong-un đã đặt thời hạn chót cuối năm nay để Mỹ đưa ra một thỏa thuận thực tế và có thể chấp nhận được, nhưng tiến trình đàm phán hiện vẫn không chuyển động. Chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 11 này thừa nhận các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đang diễn ra quá chậm.

Hãng Bloomberg cho rằng, thay vì có “các bước đi cụ thể, không thể đảo ngược, hướng đến phi hạt nhân hóa”, Triều Tiên sẽ không nhượng bộ về chương trình hạt nhân của nước này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều lần nhắc đến việc tìm “một giải pháp mới” nếu đàm phán với Mỹ không có tiến triển vào cuối năm nay. Về phía Tổng thống Trump, ông chủ Nhà Trắng khó có thể bảo đảm đạt được sự đột phá nào đó về vấn đề Triều Tiên trong lúc bản thân ông đối mặt với một phiên tòa luận tội có thể xảy ra và cuộc đua tái tranh cử nhiệm kỳ hai.

Cuối tuần qua, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong phát biểu với báo giới ở Seoul rằng, Mỹ đang thúc đẩy việc đưa Triều Tiên trở lại bàn nghị sự và Hàn Quốc xem “thời hạn cuối” mà Bình Nhưỡng đặt ra là “rất nghiêm trọng”. Kể từ tháng 5 đến nay, Triều Tiên đã phóng ít nhất 20 tên lửa tại nhiều bãi thử khác nhau và giới phân tích cho rằng, động thái này nhằm gây sức ép với Mỹ. Song, theo Bloomberg, điều đó không có nghĩa là ông Kim Jong-un sẽ nối lại việc thử các tên lửa tầm xa, hoặc hủy bỏ đàm phán với Mỹ sau “thời hạn cuối” bởi những phương án này đều không hẳn có lợi cho Triều Tiên.  
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho hay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tác động đáng kể đến kinh tế của Triều Tiên. Song, cũng theo Bloomberg, Triều Tiên vẫn đủ khả năng thúc đẩy chương trình hạt nhân bởi họ dành hơn 20% GDP cho quân đội. Nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay, Bình Nhưỡng đã chi khoảng 100 triệu USD để thử hơn 30 tên lửa đạn đạo kể từ năm 2011. Phía Hàn Quốc cũng kỳ vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa trước cuối năm nay. Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck, nếu hai bên có thể đưa ra những nhượng bộ thì các cuộc đàm phán có thể được khởi động lại.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.