Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25) diễn ra ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) lẽ ra kết thúc vào ngày 13-12 nhưng kéo dài đến ngày 15-12 do các quan chức của gần 200 quốc gia không giải quyết được bất đồng liên quan Thỏa thuận Paris.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Môi trường Chile Carolina Schmidt thừa nhận đàm phán “rất khó khăn và kéo dài”, nhưng cho rằng đã đạt được một số tiến triển. Theo các nhà quan sát và các phái đoàn, COP25 không đạt được khẩu hiệu “Thời gian hành động”, khi năm 2020 cũng là thời điểm Thỏa thuận Paris bước vào giai đoạn thực thi. COP25 đề ra mục tiêu hoàn tất bộ quy tắc của Thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái đất dưới ngưỡng 2 độ C và nếu có thể là 1,5 độ C.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Alden Meyer về chính sách khí hậu thuộc Liên hiệp Các nhà khoa học quan tâm nhận định, dự thảo thỏa thuận tại Madrid không phản ánh được những cảnh báo khẩn cấp từ các nhà khoa học rằng, cần giảm mạnh và giảm sớm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vấn đề bất đồng then chốt là thỏa thuận điều tiết thị trường carbon quốc tế và cách thức tài trợ để giúp các nước nghèo đối phó với tác động kinh tế do biến đổi khí hậu. Vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo tại COP26 ở thành phố Glasgow (Scotland, thuộc Vương quốc Anh).
Liên minh châu Âu (EU), trừ Ba Lan, đã thống nhất đưa lượng phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050. Trung Quốc và Ấn Độ - nước có lượng khí thải carbon số 1 và số 4 của thế giới khẳng định, không cần thiết phải cải thiện các kế hoạch giảm phát thải. Trong khi đó, Mỹ kiên quyết ngăn chặn bất kỳ điều khoản nào khiến cường quốc này và các nước phát triển khác phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại do biến đổi khí hậu, ước tính có thể lên đến hơn 150 tỷ USD/năm vào năm 2025.
BÌNH YÊN