Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhóm họp vào ngày 30-1 để xem xét có công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không, trong lúc số ca nhiễm virus Corona (nCoV) không ngừng gia tăng với tổng cộng 170 người chết và 7.815 người mắc bệnh.
Nhân viên y tế Ấn Độ làm việc trong bệnh viện của chính phủ để giám sát các trường hợp nghi nhiễm virus Corona ở thành phố Chennai. Ảnh: Reuters |
Hãng AFP cho biết, WHO nhóm họp ở Geneva (Thụy Sĩ) trong lúc tổ chức này bị chỉ trích phản ứng chậm chạp trong việc công bố Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV - mức cảnh báo cao nhất. Tuần trước, WHO cho rằng, còn “quá sớm” để công bố PHEIC và thiếu bằng chứng về việc virus lây truyền giữa người với người bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Tuy nhiên sau đó, có ít nhất 6 trường hợp bị nhiễm nCoV dù những người này chưa từng đến Trung Quốc. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại khả năng dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu sẽ lớn hơn so với ở Trung Quốc đại lục. Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan kêu gọi cả thế giới hành động. Quyết định của WHO về PHEIC dự kiến được công bố vào tối 30-1 (giờ Geneva).
Cũng trong ngày 30-1, thêm nhiều quốc gia xác nhận có trường hợp nhiễm nCoV. Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Nhật Bản cho hay, 3 công dân Nhật được đưa về nước từ Vũ Hán nhiễm nCoV, trong đó 2 người không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Đây là 2 trường hợp đầu tiên ở Nhật Bản không xuất hiện triệu chứng nhưng dương tính với nCoV. Hiện Nhật Bản xác nhận 11 trường hợp nhiễm bệnh. Chính phủ Tokyo đang sắp xếp để sơ tán khoảng 650 người có nguyện vọng trở về từ Vũ Hán. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai chuyến bay trong ngày 29 và 30-1 đã đưa tổng cộng 416 người về nước.
Philippines ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV, một phụ nữ Trung Quốc 38 tuổi từ Vũ Hán đến Philippines hôm 21-1 sau khi quá cảnh ở Hong Kong. Ấn Độ cũng cho biết, một sinh viên ở bang miền nam Kerala và học tại Đại học Vũ Hán đã nhiễm bệnh, đang được điều trị cách ly ở Kerala. Việc Ấn Độ - quốc gia có dân số 1,3 tỷ người - xác nhận về bệnh nhân nCoV đầu tiên càng làm dấy lên lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan toàn cầu.
Pháp, New Zealand, Úc, Singapore, Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác cũng đang nỗ lực sơ tán công dân khỏi thành phố Vũ Hán. Một máy bay A380 đã rời sân bay quân sự ở Beja, cách thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha 200km về phía đông nam ngày 30-1 đến Trung Quốc để đưa hàng trăm công dân châu Âu về nước. Trong lúc đó, hãng Reuters dẫn lời một quan chức Ấn Độ rằng, việc đưa công dân trở về không phải là giải pháp tốt nhất bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với áp lực của người dân Ấn Độ, hầu hết là sinh viên và gia đình của họ, chính phủ New Delhi cũng phải chuẩn bị máy bay để đưa công dân trở về.
Virus Corona lây lan ra nhiều nước bên ngoài Trung Quốc. Đồ họa: CNN |
Tại Hàn Quốc, các cuộc biểu tình diễn ra yêu cầu đặt các cơ sở giám sát các trường hợp nghi nhiễm bệnh xa khu dân cư. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thúc giục người dân không nên lo ngại khi chính phủ chuẩn bị đưa nhóm đầu tiên trong số khoảng 700 công dân đang ở Vũ Hán về nước. “Vũ khí bảo vệ chúng ta khỏi chủng virus mới không phải là sự sợ hãi và ác cảm, mà là sự tin tưởng và hợp tác”, ông Moon Jae-in nói.
Chính phủ Nga tuyên bố tạm thời đóng cửa biên giới với Trung Quốc ở 5 tỉnh thuộc vùng Viễn Đông bao gồm: Amur, khu tự trị Do Thái, Zabaikal, Pimore và Khabarovsk. Bộ Ngoại giao Nga cũng dừng cấp thị thực điện tử cho công dân Trung Quốc kể từ ngày 30-1. Nhiều hãng hàng không lớn đã ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc gồm: British Airways (Anh), Lufthansa (Đức), American Airlines (Mỹ), Air Canada, El Al (Israel),
Theo CNN, người Nam Phi ở Vũ Hán bày tỏ sự thất vọng về việc chính phủ của họ thiếu kế hoạch sơ tán công dân khỏi thành phố này. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết, chính phủ không dự kiến đưa công dân khỏi vùng tâm dịch.
Tính đến ngày 30-1, tổng cộng 170 người đã chết và 7.815 người mắc bệnh, nhưng chưa có trường hợp tử vong bên ngoài biên giới Trung Quốc. Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, ước tính tỷ lệ tử vong vì virus Corona (nCoV) là 2% nhưng cho biết đây chỉ là tính toán sơ bộ, còn tỷ lệ gây chết người đối với virus SARS - dịch bệnh bùng phát năm 2002-2003 là 10%. Chỉ trong vòng 24 giờ từ ngày 29-1 đến 30-1, Trung Quốc có thêm 38 người tử vong. Trong đó, 37 người ở vùng tâm dịch tỉnh Hồ Bắc và 1 người ở tỉnh Tứ Xuyên. Số người mắc bệnh ở Trung Quốc hiện là 7.711 người. |
PHÚC NGUYÊN