Trước “Ngày Bầu cử” vào tháng 11, nước Mỹ sẽ trải qua giai đoạn “bầu cử sơ bộ”, với những cách thức tổ chức rất riêng, để các đảng bầu ứng cử viên tổng thống tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump (trái) gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 với đảng Dân chủ. Ảnh: New York Post |
Cử tri thông qua hai hình thức bầu cử sơ bộ là họp kín (caucus) và bỏ phiếu sơ bộ (primary) để bầu các đại biểu (delegate) đi dự Đại hội Đảng toàn quốc bầu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng.
Họp kín
Họp kín (caucus) là cách bầu cử lâu đời hơn. Mọi cử tri và thành viên đăng ký của các đảng sẽ tập trung vào một thời điểm và tại một địa điểm nhất định - có thể là trường học, phòng tập gym, nhà hàng hay tư gia – để bầu đại biểu.
Trong nền chính trị Mỹ, khái niệm “họp kín” không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bầu cử. Họp kín cũng là hình thức các thành viên của một chính đảng, một tổ chức xã hội, hay cơ quan tiến hành để thảo luận và thông qua các đường lối chính sách nào đó. Như trong Quốc hội Mỹ có Congressional Black Caucus (CBC), tức là cuộc họp của các nhà lập pháp người Mỹ gốc Phi.
Nhiều người Mỹ không hiểu khái niệm họp kín (caucus) bắt nguồn từ đâu. Một số cho rằng “họp kín” bắt nguồn từ một chữ gốc Latin mang hàm nghĩa “chiếc cốc to để đồ uống”. Nhóm này lý giải thủ lĩnh các cộng đồng hay bộ tộc tại Mỹ xưa kia thường mang những chiếc cốc to như vậy tới dự các cuộc họp quan trọng. Theo thời gian, hình ảnh đó trở thành nét đặc trưng và các cuộc họp kín được gọi là “caucus”. Trong khi đó, một số người Mỹ lại cho rằng từ này liên quan tới bộ tộc Bắc Mỹ bản địa có tên Virginian Algonquian (hay Powhatan), nghĩa là “cố vấn”.
Tuy nhiên, dù nguồn gốc như thế nào, thì họp kín mấy trăm năm qua đã trở thành một nét đặc sắc, có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới, của nền chính trị “xứ sở cờ hoa”. Thể thức họp kín bắt đầu được người Mỹ áp dụng từ giữa những năm 1700, mà nổi tiếng nhất là Boston’s Caucus Club của vị Tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ: John Adams. Thậm chí giai đoạn 1796-1824, các đảng phái trong Quốc hội Mỹ đã sử dụng thể thức họp kín này để bầu chọn các ứng cử viên tổng thống của đảng mình. Cơ quan lập pháp các tiểu bang cũng áp dụng hình thức tương tự để bầu thống đốc.
Điểm đặc biệt của hình thức họp kín là cử tri không bao giờ bỏ lá phiếu, thay vào đó họ bày tỏ lựa chọn của mình bằng cách giơ tay hoặc xếp thành hàng, sau đó các quan chức phụ trách bầu cử sẽ kiểm đếm, hoặc các nhóm sẽ đếm lẫn nhau dưới sự giám sát của tổ bầu cử.
Một điểm bầu cử sơ bộ theo thể thức họp kín tại Mỹ. Ảnh: usnews |
Chính cách thức này khiến họp kín mất nhiều thời gian và rất phức tạp vì cử tri phải gặp nhau cùng lúc tại một địa điểm định sẵn. Hơn nữa, việc không dùng phiếu kín phổ thông, mà công khai “ra mặt” lựa chọn ứng viên, dẫn tới tình trạng số lượng cử tri tham gia bầu cử thường không cao.
Cử tri Mỹ cũng ngày càng muốn có tiếng nói nhiều hơn đối với việc lựa các ứng cử viên tổng thống. Và đó là lý do chính trường Mỹ về sau xuất hiện thêm hình thức bỏ phiếu sơ bộ (primary) trong quá trình bầu cử sơ bộ. Tới thập niên 70 của thế kỷ trước, hầu hết các tiểu bang của Mỹ áp dụng thể thức mới.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, chỉ còn lại 6 tiểu bang gồm Maine, Kansas, Nevada, North Dakota, Wyoming và Iowa còn áp dụng duy nhất hình thức họp kín. Phần lớn các bang sẽ tiến hành bỏ phiếu sơ bộ, hoặc kết hợp bỏ phiếu sơ bộ với họp kín.
Bỏ phiếu sơ bộ
Thể thức bỏ phiếu sơ bộ được áp dụng từ đầu thế kỷ 20, sử dụng lá phổ thông đầu phiếu (bỏ phiếu kín) và được đánh giá là hình thức bầu cử công bằng, thuận tiện, tự do và dân chủ hơn.
Họp kín (caucus) là cách thức bầu cử sơ bộ mang nét đặc biệt của nền chính trị Mỹ. Ảnh: Brookings Institution |
Giới học giả tại Mỹ cho rằng từ “primary” bắt nguồn từ “primus” trong tiếng Latin có nghĩa là “đầu tiên”, ám chỉ thủ tục đầu tiên được tiến hành trong quá trình hướng tới tổng tuyển cử. Trong Thời kỳ Cấp tiến (1896-1916), nước Mỹ bùng nổ mãnh liệt phong trào đòi cải cách chính trị và hoạt động xã hội. Giai đoạn này, cử tri Mỹ bắt đầu yêu cầu được tham gia nhiều hơn vào tiến trình bầu cử sơ bộ. Những người ủng hộ cho rằng một hệ thống bầu cử minh bạch và công khai hơn sẽ góp phần giảm tham nhũng. Và thể thức bỏ phiếu sơ bộ ra đời.
Các tiểu bang tự quyết việc chọn hình thức tổ chức bầu cử sơ bộ và đề ra các qui định bầu cử. Tuy nhiên, bản thân hình thức bỏ phiếu sơ bộ cũng có nhiều cách thức thực hiện.
Nhiều bang như New Hampshire hay Texas chọn thể thức bỏ phiếu sơ bộ mở (open primary), trong đó cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của bất kỳ đảng phái nào. Ví dụ tại Texas, một người đăng ký theo Đảng Cộng hòa hoàn toàn có quyền bỏ phiếu ủng hộ một ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ và ngược lại.
Một số tiểu bang như Pennsylvania lại chọn hình thức bỏ phiếu sơ bộ kín (closed primary), theo đó cử tri đăng ký đảng nào thì chỉ được phép bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng đó, một người Dân chủ không thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên Cộng hòa. Cử tri độc lập cũng không được phép tham dự các cuộc bỏ phiếu sơ bộ kín.
Một điểm bầu cử sơ bộ theo thể thức bỏ phiếu kín (primary). Ảnh: The State |
Bên cạnh đó, có những bang lại áp dụng thể thức bỏ phiếu sơ bộ nửa kín (semi-closed), tức là cử tri chỉ được bầu cho ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng mình, song cử tri độc lập cũng được phép tham dự.
Một vài bang thì lại tổ chức kiểu bỏ phiếu sơ bộ nửa mở (semi-open), theo đó cử tri không cần tuyên bố họ đăng ký theo chính đảng nào, họ có quyền “cân nhắc, đánh giá” các ứng viên tới phút chót. Song khi có quyết định, cử tri phải đưa ra tuyên bố công khai với tổ bầu cử và sẽ được cấp cho duy nhất một lá phiếu của chính đảng mà họ ủng hộ.
Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa bỏ phiếu sơ bộ nửa mở với bỏ phiếu sơ bộ mở, nơi cử tri được cung cấp lá phiếu có danh sách ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của tất cả các đảng trên đó.
Cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống
Dù tổ chức thể thức bầu cử sơ bộ nào thì bản chất của tiến trình này vẫn là cử tri Mỹ không trực tiếp bầu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Thay vào đó, cử tri qua bầu cử sơ bộ sẽ bầu ra các đại biểu, những người sẽ thay mặt họ bỏ phiếu trao tấm vé ứng cử viên đại diện cho đảng tham gia bầu cử tổng thống tại Đại hội Đảng Toàn quốc, thường diễn ra vào tháng 7-8 của năm bầu cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, Những Chú Lừa (biệt danh của Đảng Dân chủ) có tổng cộng 3.979 đại biểu thông thường và 771 siêu đại biểu (là các quan chức, thống đốc hay nhà lập pháp hàng đầu của đảng và nghiễm nhiên không phải bầu). Để được bầu làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ, một ứng cử viên phải giành được tối thiểu 1.991 phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Đại hội đảng toàn quốc.
Những Chú Voi (biệt danh của Đảng Cộng hòa) có tổng cộng 2.441 đại biểu cam kết và 110 đại biểu không cam kết (giống như Siêu đại biểu bên phía đảng Dân chủ). Để được bầu làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, một ứng viên phải giành được tối thiểu 1.277 phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Đại hội đảng toàn quốc.
Cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức khai màn tại Iowa, tiểu bang đầu tiên tại Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ. Đây là một truyền thống của chính trường Mỹ từ năm 1972.
Các ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Dân chủ tranh luận trực tiếp. Ảnh: Fox News |
Cách thức phân bổ đại biểu
Số lượng đại biểu của mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa được phân bổ phù hợp theo tỷ lệ với qui mô dân số của 50 tiểu bang, 5 vùng lãnh thổ hải ngoại và Đặc khu hành chính Washington D.C (yếu tố ảnh hưởng tới số lượng khu vực bầu cử - Congressional District). Các đảng cũng tự đề ra các tiêu chuẩn và qui định chia phiếu đại biểu của riêng mình.
Đảng Dân chủ áp dụng qui định phân bổ số đại biểu theo tỷ lệ phiếu bầu/tỷ lệ ủng hộ mà mỗi ứng cử viên tiềm năng giành được trong cuộc bầu cử sơ bộ, tức là số đại biểu nhận được sẽ tỷ lệ thuận với tỷ lệ phiếu. Một ứng cử viên phải giành được trên ngưỡng qui định 15% số phiếu ủng hộ thì mới được bắt đầu tính phân bổ đại biểu.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa áp dụng qui định phức tạp hơn. Bầu cử sơ bộ ở nhiều bang áp dụng chính sách “winner-takes-all” (tạm gọi là “Được ăn cả-ngã về không”) khi có một ứng cử viên giành được một đa số phiếu ủng hộ (trên 50%). Theo qui định này, người chiến thắng sẽ giành được tất cả số đại biểu của bang đó. Đảng Cộng hòa áp dụng thể thức “winner-takes-all” tại hầu hết các bang, trong đó có những bang lớn như Florida hay New York.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào thắng áp đảo với trên 50% số phiếu bầu, Đảng Cộng hòa sẽ áp dụng thể thức phân chia đại biểu theo tỷ lệ phiếu bầu mà mỗi ứng cử viên giành được. Một ứng cử viên cần có tối thiểu 20% số phiếu ủng hộ để được tính phân bổ đại biểu. California và Texas là hai “siêu bang” áp dụng qui định này.
Chặng khởi động
Tháng 2 là thời điểm mở màn Mùa bầu cử năm 2020 tại Mỹ với hai cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên diễn ra tại Iowa và New Hampshire. Trên thực tế, ngoài ý nghĩa tinh thần, kết quả bầu cử tại hai tiểu bang đầu tiên này không mang tính quyết định vì Iowa và New Hampshire có số đại biểu rất ít và chỉ chiếm 0,4% tổng số đại biểu toàn liên bang của mỗi đảng.
Bên phía Đảng Dân chủ, sau chặng khởi động này, dẫn đầu đường đua đang bất ngờ là Cựu Thị trưởng thành phố South Bend, tiểu bang Indiana, ông Pete Buttigieg với 23 phiếu đại biểu. Đứng thứ hai là Thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont Bernie Sanders với 21 phiếu đại biểu.
Tiếp theo lần lượt là Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren (8 phiếu), Thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar (7 phiếu) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden với 6 phiếu đại biểu. Như vậy, sau hai cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, bên phía Đảng Dân chủ mới có 5 ứng cử viên tổng thống tiềm tàng giành được phiếu đại biểu.
Trong khi đó, đường đua nội bộ của Đảng Cộng hòa đang chứng kiến thế áp đảo tuyệt đối của ứng cử viên Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ. Tới thời điểm này, ông Donald Trump đã giành chiến thắng tại tất cả các cuộc bầu cử sơ bộ và “bỏ túi” 119 phiếu đại biểu.
Hầu hết các ứng cử viên tiềm tàng khác đều đã tuyên bố bỏ cuộc. Đối thủ duy nhất còn lại của ông Trump là cựu Thống đốc bang Massachusetts Bill Weld mới có 1 phiếu. Tới giữa tháng 2-2020, Đảng Cộng hòa tại ít nhất 8 bang đã tuyên bố hủy bầu cử sơ bộ và trao toàn bộ số phiếu đại biểu cho ứng cử viên Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử. Ảnh: USA Today |
Gần như chắc chắn Tổng thống Donald Trump sẽ được bầu chọn là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tháng 11 tới.
Trong khi đó, cuộc đua của Đảng Dân chủ hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ và hiện cơ hội vẫn chia đều cho tất cả các ứng cử viên tiềm tàng. Trong bối cảnh đó, mọi sự chú ý của dư luận đang đổ dồn vào Tháng 3. Đây là tháng có ý nghĩa quan trọng bậc nhất, thậm chí quyết định chủ nhân tấm vé đại diện cho Đảng Dân chủ.
Với Đảng Dân chủ, tâm điểm của bầu cử sơ bộ tháng 3 sẽ là ngày “Siêu Thứ Ba” (Super Tuesday) diễn ra vào 3-3, thời điểm 16 bang đồng loạt “ra quân”, quyết định 1.357 phiếu đại biểu. Người giành nhiều phiếu đại biểu nhất trong ngày "Siêu Thứ Ba" sẽ nắm cơ hội lớn nhất trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Theo Báo Tin tức