IMF: Năm 2020, tăng trưởng toàn cầu giảm

.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) có thể làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm, nhưng sau đó sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ.

Người dân Trung Quốc mang khẩu trang xếp hàng trước một cửa hàng ở thủ đô Bắc Kinh. 		Ảnh: Getty Images
Người dân Trung Quốc mang khẩu trang xếp hàng trước một cửa hàng ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Cảnh báo về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 được bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF, phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Toàn cầu ở Dubai ngày 16-2 (giờ địa phương). Bà Georgieva cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm 0,1 - 0,2% do tác động của Covid-19.

Song, Tổng Giám đốc IMF nhận định, tác động toàn diện của dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát và không nên kết luận sớm khi vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn; tác động hiện nay chỉ thấy rõ ở lĩnh vực giao thông cũng như du lịch. “Hãy hỏi tôi sau 10 ngày nữa… Chúng ta không biết Trung Quốc có thể kiểm soát dịch nhanh như thế nào. Chúng ta không biết dịch sẽ lây lan ra các nước còn lại trên thế giới ra sao”, bà Georgieva nói. Song, theo bà, nếu nhanh chóng khống chế Covid-19, kinh tế toàn cầu có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm và sau đó phục hồi nhanh chóng.

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi tháng 1 vừa qua, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 3,3%, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó. So sánh với tác động của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003, bà Georgieva cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc khi đó chỉ chiếm 8% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng con số này hiện là 19%. Ngân hàng JP Morgan của Mỹ cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm trong quý 1-2020 nhưng sẽ phục hồi trong 2 quý tiếp theo.

Cách đây 4 ngày, Tổng Giám đốc IMF Georgieva đánh giá tác động của Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu là không nhiều. Hồi đầu tháng 2, bà lại dự báo Covid-19 sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ít nhất là trong thời gian ngắn. Đề cập riêng về Trung Quốc, nhà kinh tế học Rohini Malkani, chuyên gia của DBRS Morningstar - cơ quan xếp hạng tài chính toàn cầu ở Toronto (Canada) cũng cho rằng, Covid-19 gây tác động tức thời đến nền kinh tế cường quốc châu Á này, đặc biệt trong sản xuất và tiêu dùng.

IMF ban đầu dự báo Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2020, so với mức 10% của năm 2003. Tuy nhiên, Tổ chức xếp hạng Moody’s đã hạ dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5,7% (theo đánh giá của riêng Moody’s) xuống còn 5,2% trong năm 2020. Theo giới phân tích, chính phủ Trung Quốc nên sử dụng các công cụ chính sách đúng lúc và linh hoạt, đồng thời áp dụng các công cụ chính sách không theo thông lệ để hỗ trợ nền kinh tế giữa “cơn bão” Covid-19. Những giải pháp mà Trung Quốc đang thực hiện (như đóng cửa Vũ Hán và một số thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc trong thời gian dài, hủy bỏ các sự kiện lớn, cho phép trả vé máy bay miễn phí) được cho là cần thiết, nhưng lại tác động đến kinh tế, trực tiếp ảnh hưởng đến ngành dịch vụ, du lịch và kinh doanh khách sạn. Chính phủ Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ các ngành công nghiệp và các lĩnh vực bị ảnh hưởng Covid-19. Theo đó, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, giãn nợ với các khoản vay xấu, giảm các loại thuế và phí khác…

Đối với Nhật Bản, các chuyên gia kinh tế ở nước này đang cẩn thận xem xét tác động của Covid-19 đến nền kinh tế. Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ là gánh nặng lớn đối với kinh tế Nhật Bản, nhất là ngành du lịch và sản xuất. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cấp cao Naoya Oshikubo tại Công ty cho thuê tài chính SuMi Trust dự đoán Covid-19 sẽ không cản trở sự phục hồi của đất nước hoa anh đào trong quý 1-2020, bởi ngành công nghiệp du lịch chỉ chiếm 0,8% GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Cũng ở khu vực châu Á, theo Reuters, nền kinh tế Singapore vốn phụ thuộc vào thương mại và quốc đảo sư tử đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2020. Singapore cũng sẽ công bố các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do Covid-19. Chính Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi cuối tuần qua cho rằng, suy thoái kinh tế là điều có thể xảy ra.

Theo hãng Tân Hoa xã, Trung Quốc có thể hoãn kỳ họp Quốc hội, sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm, dự kiến khai mạc vào ngày 5-3 và kéo dài 2 tuần, để tập trung đối phó Covid-19.

Trong lúc đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 17-2 khẳng định, có thể phòng ngừa và điều trị được Covid-19 khi tỷ lệ người mới mắc bệnh ở Vũ Hán giảm từ 38% ở thời điểm dịch bắt đầu bùng phát xuống còn 18% thời điểm hiện tại. Tính đến ngày 17-2, tổng số người mắc bệnh ở Trung Quốc đại lục lên đến hơn 70.500, số người tử vong là 1.770.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.