Số ca nhiễm virus chết người ở Mỹ tăng vọt sau khi liên tiếp trong 4 ngày qua, nước này ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm Covid-19 tại New York, Mỹ, ngày 23-3-2020. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Theo worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 27-3 (giờ Việt Nam), ovMỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với hơn 100.000 ca nhiễm.
Số ca nhiễm virus chết người ở Mỹ tăng vọt sau khi liên tiếp trong 4 ngày qua, nước này ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Ngoài lý do các cơ quan y tế Mỹ mở rộng diện xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 và kết quả xét nghiệm nhanh chóng có được chỉ trong vòng 45 phút, có nhiều ý kiến cho rằng số ca nhiễm mới ở nước này là do sự không nhất quán của chính quyền trung ương và địa phương ở Mỹ trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Trong khi dịch bệnh tiếp tục lây lan và bùng phát ra tất cả các bang, thủ đô Washington và vùng lãnh thổ của Mỹ, tuyên bố của Tổng thống Trump về việc cân nhắc nới lỏng biện pháp "giãn cách xã hội" và "đưa người lao động quay trở lại làm việc" đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các chuyên gia y tế cũng như chính giới.
Họ cho rằng quyết định trên sẽ khiến nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế còn tồi tệ hơn.
Giới chuyên gia cho rằng những thông điệp trái chiều của Chính phủ Mỹ về quy mô, mức độ của dịch bệnh cũng như các biện pháp đối với với dịch bệnh dẫn đến việc thực hiện không thống nhất các biện pháp đối phó với mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng này.
Trên thực tế, từ tháng Hai vừa qua, những dữ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy đã cho thấy rõ là dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng ở những khu vực không thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp đơn giản như hạn chế sự tiếp xúc, giữ vệ sinh cá nhân... có thể giúp làm chậm tốc độ lây nhiễm các ca mới.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã không áp dụng các biện pháp này.
Tới ngày 4-3, Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng dịch Covid-19 không tồi tệ hơn so với cúm mùa.
Giáo sư vi trùng học và miễn dịch học của Đại học Iowa, ông Stenley Perlman nhận định Mỹ đã không có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với Covid-19, ở cả lĩnh vực xét nghiệm, thực hiện dãn cách xã hội và xử lý tình trạng lây nhiễm.
Ông Robert Schooley, giáo sư dược Đại học California, thành phố San Diego, cho rằng chính quyền chậm trễ trong việc áp dụng các chính sách dãn cách xã hội tại nhiều địa phương nên tại nhiều bang, biện pháp này chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả.
Washington là một ví dụ điển hình khi bang này thực hiện biện pháp dãn cách xã hội sớm nhất so với các bang khác.
Thực tế cho thấy số các ca nhiễm mới tại bang này đang giảm dần. San Diego cũng là một địa phương kiểm soát tốt dịch khi chính quyền bang này đi đầu trong việc đóng cửa trường học và khuyến nghị người dân ở trong nhà.
Hiện số bệnh nhân trong viện ở thành phố này hầu như không đổi so với tuần trước.
Bên cạnh đó, tạp chí World Politics Review có bài phân tích cho rằng các chính sách thương mại của Mỹ, nhất là các chính sách thuế quan đang cản trở nỗ lực chống đại dịch và có thể cản trở cả kế hoạch phục hồi kinh tế trong tương lai.
Nhà Trắng đã giảm thuế quan áp lên một số mặt hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng động thái đó chỉ được đưa ra khi dịch bệnh đã bùng phát và nhu cầu đối với những sản phẩm đó chắc chắn sẽ tăng lên.
Năm 2019, chính quyền Mỹ đã áp thuế quan 25% lên trang thiết bị y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả dung dịch rửa tay sát khuẩn, nhiệt kế và thiết bị đo nồng độ ôxy.
Washington cũng đánh thuế 15% lên rất nhiều mặt hàng bảo hộ cá nhân mà đó chính là những thứ giờ đây nước Mỹ đang thiếu trầm trọng, như khẩu trang và quần áo bảo hộ.
Năm nay, thuế của những mặt hàng này đã giảm xuống 7,5% sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Giữa tháng 3-2020, chính quyền Mỹ đã thông báo ngừng đánh thuế một số mặt hàng này trong vòng một năm.
Nhưng tới thời điểm đó, Trung Quốc đã bán các mặt hàng này cho các thị trường khác, và do Liên minh châu Âu (EU) cùng một số nước cung ứng khác hạn chế xuất khẩu nên nguồn cung trang thiết bị y tế lại trở nên khan hiếm và đắt đỏ tại Mỹ.
Do đó, tình trạng thiếu thốn vật tư y tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh của Mỹ không đạt hiệu quả cao.
Trong khi số ca mắc Covid-19 tại Mỹ cao nhất, số ca tử vong ở nước này dừng ở mức 1.290 ca tính đến tối 27-3 (giờ Việt Nam), sau Italy, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Giáo sư Zhang Zuofeng, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California, Mỹ, lý giải đây là yếu tố tuổi tác của người bệnh.
Số liệu thống kê cho thấy độ tuổi của các bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ trẻ hơn nhiều nước khác.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nghiên cứu 4.226 ca mắc COVID-19 tại Mỹ trong các ngày từ 12-2 - 16-3, có tới 66% bệnh nhân được chẩn đoán, 55% bệnh nhân nhập viện và 47% số người điều trị trong phòng tích cực đều dưới 65 tuổi.
Các chuyên gia cảnh báo dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn ở Mỹ với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày.
Theo một nghiên cứu của trường Đại học Washington, Mỹ sẽ có khoảng 38.000-162.000 người tử vong trong vòng 4 tháng do dịch bệnh và các bệnh viện có thể sẽ bị quá tải vào tuần thứ 2 của tháng Tư.
Theo Vietnamplus.vn