Thiếu trang thiết bị y tế chống Covid-19

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc thiếu trang thiết bị y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 khi dịch bệnh lan rộng đến khoảng 80 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Thiết bị y tế và dụng cụ xét nghiệm virus Corona do WHO cung cấp được vận chuyển tại sân bay quốc tế Al Maktoum ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.Ảnh: AFP/Getty Images
Thiết bị y tế và dụng cụ xét nghiệm virus Corona do WHO cung cấp được vận chuyển tại sân bay quốc tế Al Maktoum ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.Ảnh: AFP/Getty Images

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 3-3 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, kể từ khi Covid-19 bùng phát, giá khẩu trang phẫu thuật tăng gấp 6 lần, giá khẩu trang N95 tăng gấp 3 lần và trang phục bảo hộ có giá gấp đôi. WHO ước tính mỗi tháng các nhân viên y tế toàn cầu cần 89 triệu khẩu trang, 76 triệu găng tay và 1,6 triệu kính bảo vệ. Ông Tedros thúc giục các chính phủ, các công ty gia tăng sản lượng lên 40% khi Covid-19 đang lan rộng ra toàn cầu.

Theo báo South China Morning Post, trong lúc ứng phó với Covid-19, Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy và khuyến cáo người lao động ở nhà. Sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc bị gián đoạn, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thiết bị y tế. Bộ Công nghiệp Trung Quốc trước đó nói rằng, các nhà máy nếu hoạt động thì công suất tối đa chỉ có thể sản xuất khoảng 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, không đủ cung cấp nhu cầu quá lớn ở trong nước cũng như thế giới. Lúc dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, Trung Quốc cũng thiếu trang thiết bị y tế, bệnh viện và cả đội ngũ y bác sĩ.

Tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO còn nhận định, Covid-19 đang gây ra nhiều ca tử vong hơn bệnh cúm mùa, nhưng không lây nhiều như cúm. “Khoảng 3,4% số ca nhiễm Covid-19 đã tử vong. Bệnh cúm mùa nhìn chung chỉ gây ra ít hơn 1% ca tử vong”, ông Tedros nói. Tính đến ngày 4-3, thế giới có 3.218 ca tử vong và hơn 93.200 ca nhiễm bệnh.

Ở Iran, các bác sĩ và y tá thiếu thiết bị y tế. Nước Cộng hòa Hồi giáo này hiện có 92 ca tử vong, cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Hãng CNN dẫn lời các quan chức y tế Iran cho hay, thành phố Qom - vùng tâm dịch - đang thiếu giường bệnh và buộc phải dùng lều làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19. Các quan chức WHO bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Iran khi các bác sĩ thiếu mặt nạ phòng độc và những bệnh nhân nặng không có máy thở. Theo Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan, nhu cầu ở Iran cấp thiết hơn những quốc gia/vùng lãnh thổ khác.

Tại Ý, vùng tâm dịch lớn nhất ở châu Âu, số người chết tăng lên 79 người. Các nhà chức trách đang xem xét việc mở rộng khu vực cách ly. Pháp hiện có ca tử vong thứ 4, Tây Ban Nha có 1 ca. Ở Đức, 15/16 bang đã xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh. Đến ngày 4-3, Đức có thêm 44 ca nhiễm, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 240 người và quốc gia này trở thành vùng tâm dịch mới ở châu Âu.
Trong khi đó, Mỹ có 109 bệnh nhân Covid-19 và 9 người chết. Nhiều bang của Mỹ đang thiếu các bộ xét nghiệm, nhưng rất nhiều người muốn kiểm tra xem họ có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng, mọi công dân Mỹ khi xét nghiệm cần phải có chỉ định của bác sĩ và mọi cơ sở y tế có thẩm quyền đều có thể tiến hành xét nghiệm.

Quốc hội Mỹ đang hoàn tất dự luật khẩn cấp chi 7,5 tỷ USD cho những nỗ lực của chính phủ trong việc ứng phó Covid-19. Khoản tiền này sẽ được dùng để đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine, dự phòng tài chính cho các bang và địa phương, hỗ trợ các nước/vùng lãnh thổ khác chống dịch…

Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12 tỷ USD để giúp các nước/vùng lãnh thổ, nhất là những nước nghèo nhất trên thế giới, đối phó với Covid-19. Gói cứu trợ này dùng để mua trang thiết bị, vật tư y tế, tư vấn về chuyên môn và chính sách, đồng thời phân bổ đến các nước nghèo.
Tại Hàn Quốc, vùng tâm dịch lớn thứ hai của toàn cầu, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Y tế Kim Gang-lip cho biết, ngày 4-3, khoảng 2.300 người nhiễm Covid-19 chờ đợi được vào các bệnh viện và các cơ sở y tế tạm thời ở thành phố Daegu.

Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun khẳng định: “Chúng ta cần những giải pháp đặc biệt trong lúc khẩn cấp”. Nhà lãnh đạo này muốn nhắc đến nguồn lực y tế bổ sung cho những điểm nóng và các giải pháp kinh tế, trong đó có gói kích thích trị giá 9,8 tỷ USD. Tổng thống Moon Jae-in đã hoãn các chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này để tập trung ứng phó dịch bệnh. Giới chức xứ Hàn cũng quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các bảo tàng nghệ thuật và lịch sử quốc gia, các thư viện công cộng, nhà hát thêm 2 tuần.

Trong vòng 16 giờ, Hàn Quốc ghi nhận thêm 293 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 5.600 và 33 người tử vong.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.