Ngày 9-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đến Brussels (Bỉ) để bàn thảo với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận giữa hai bên được ký năm 2016 nhằm ngăn chặn người tị nạn tràn vào châu Âu.
Thỏa thuận này đang bên bờ sụp đổ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để hàng trăm ngàn người tiến về châu Âu nhằm gây sức ép trong vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và EU cũng cáo buộc lẫn nhau không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận.
Hãng AP cho biết, thỏa thuận nói trên kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngăn người tị nạn. Đổi lại, EU cấp cho Ankara 6 tỷ euro (6,7 tỷ USD) để hỗ trợ người tị nạn Syria đang ở trên đất của Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy tiến trình Thổ gia nhập khối gồm 27 thành viên, đồng thời miễn thị thực cho công dân nước này đến châu Âu.
Song, Tổng thống Erdogan yêu cầu châu Âu phải tiếp tục chia sẻ gánh nặng với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước ông là nơi lưu trú của hơn 3,5 triệu người tị nạn và không thể trở thành người gác cổng cho châu Âu thêm nữa. Mặc dù chỉ trích Thổ nhưng EU đã chấp nhận chi thêm khoảng 500 triệu euro.
Hiện có hàng ngàn người tị nạn dựng trại ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp để chờ cơ hội tiến vào quốc gia phía nam bán đảo Balkan này. Trong hai ngày 6 và 7-3, xung đột xảy ra ở khu vực biên giới giữa những người tị nạn với cảnh sát Hy Lạp và giữa cảnh sát Hy Lạp. Ankara cáo buộc Athens làm ít nhất 5 người tị nạn tử vong và nhiều người khác bị thương.
EU cũng đã thúc giục người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ không nên tiến đến biên giới Hy Lạp vì “cửa đã đóng”. Hầu hết những người tị nạn đến từ Syria, Afghanistan, Iran, Pakistan và châu Phi.
THIÊN BÌNH