Các nước thận trọng mở cửa lại

.

Trong lúc các nước đang xem xét cách thức mở cửa lại nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng từ Covid-19, những trải nghiệm của Trung Quốc, một số nước châu Âu và Mỹ cho thấy vấn đề này không đơn giản.

Sân bay ở Frankfurt (Đức) vắng vẻ. Chính phủ Đức đang xem xét có nới lỏng các biện pháp hạn chế hay không.  Ảnh: AP
Sân bay ở Frankfurt (Đức) vắng vẻ. Chính phủ Đức đang xem xét có nới lỏng các biện pháp hạn chế hay không. Ảnh: AP

Áo đã cho phép hàng nghìn cửa hàng trên cả nước mở cửa trở lại. Tại Tây Ban Nha, từ ngày 13-4, công nhân các nhà máy và công trường xây dựng bắt đầu làm việc sau 2 tuần hạn chế đi lại. Song, cả Áo lẫn Tây Ban Nha đều thận trọng cảnh báo người dân rằng Covid-19 chưa kết thúc. Đan Mạch mở các trường học từ ngày 15-4, bước đầu tiên trong việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa kéo dài 1 tháng, nhưng nhiều cha mẹ không cho con đến trường do lo ngại dịch bệnh.

Theo hãng tin AP, khi Covid-19 lây lan toàn cầu làm hơn 2 triệu người mắc và 134.000 người tử vong, mối lo ngại đặt ra là virus có thể bùng phát trở lại nếu nới lỏng biện pháp phong tỏa quá sớm và nhanh chóng. Các nhà lãnh đạo vẫn lo lắng trong việc mở cửa lại nhà máy, trường học, cửa hàng để khắc phục một phần nào những thiệt hại đối với nền kinh tế do dịch bệnh gây ra. Để trấn an người dân và thúc đẩy hoạt động trở lại bình thường, tại một số thành phố của Trung Quốc, các quan chức thưởng thức món ăn ngay ở nhà hàng.

Ở Ý, đường phố Rome vắng vẻ mặc dù một số cửa hàng mở cửa trở lại. Ở Anh, chính phủ khẳng định sẽ không sớm nới lỏng biện pháp hạn chế trên cả nước. Trả lời phỏng vấn BBC ngày 16-4, nhà dịch tễ học Neil Ferguson cho biết, Anh có thể duy trì tình trạng giãn cách xã hội cho đến khi có vaccine phòng SARS-CoV-2. Anh là một trong những quốc gia thiệt hại nặng nề nhất với hơn 99.400 ca nhiễm và 12.800 ca tử vong.

Bồ Đào Nha vẫn trong tình trạng khẩn cấp quốc gia (từ ngày 9 đến 17-4) khi có hơn 18.000 ca nhiễm và 599 ca tử vong. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang xem xét có nới lỏng các biện pháp hạn chế hay không. Các biện pháp này được áp đặt đến ngày 19-4.

Tại Mỹ, người dân bắt đầu nhận tiền hỗ trợ để thanh toán các hóa đơn. Nhiều nhà máy ở Mỹ vẫn đóng cửa. Sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm mạnh trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai đến nay. Doanh số bán lẻ giảm 8,7%, mức giảm chưa từng có ở Mỹ, và con số này được dự báo sẽ tồi tệ hơn nhiều trong tháng 4.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ đã qua đỉnh dịch và ông sẽ thông báo “những hướng dẫn mới” về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong nước tại cuộc họp báo diễn ra ngày 16-4 (giờ Washington). “Cuộc chiến vẫn tiếp tục, nhưng các dữ liệu cho thấy cả nước đã vượt qua đỉnh dịch. Diễn biến này đặt chúng ta vào tình thế cần phải đưa ra chỉ đạo cho các bang tái mở cửa”, hãng AP dẫn lời ông Trump nói.
Theo dự báo của Công ty Quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), kinh tế Mỹ giảm 30% trong quý 2 và 5% trong năm 2020. Trong tháng 5 hoặc tháng 6, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thị trường lao động cải thiện.

Lo lắng trước tác động của dịch bệnh đối với kinh tế, ông Trump muốn mở cửa lại nước Mỹ mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo chính phủ cần ưu tiên thực hiện thêm xét nghiệm virus và cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân. Trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, ông có quyền bỏ qua khuyến cáo của các thống đốc bang về thời điểm an toàn cho việc mở cửa và yêu cầu các doanh nghiệp trên cả nước hoạt động lại.

Tổng thống Trump từng hy vọng mở cửa kinh tế Mỹ lại vào giữa tháng 4 nhưng số ca nhiễm mới và tử vong vẫn gia tăng nên ông phải gia hạn các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo AP, quyết định cuối cùng trong việc mở cửa lại vẫn thuộc về các thống đốc bang. Trong lúc đó, các chuyên gia y tế công cũng như một số quan chức trong chính phủ Mỹ cho rằng, mục tiêu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1-5 của ông Trump là không thực tế. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ có tổng cộng hơn 630.000 ca nhiễm và 30.000 ca tử vong, hai con số đều cao nhất thế giới.

Theo bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng, các thống kê cho thấy Mỹ đang “phục hồi” nhưng người dân nước này phải tiếp tục thực hiện các khuyến nghị về giãn cách xã hội. Bà Birx nói rằng, 9 bang có ít hơn 1.000 ca nhiễm và chỉ có một vài ca mới mỗi ngày có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hoạt động, nhưng phải theo “những hướng dẫn mới” được đưa ra vào ngày 16-4.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.