Ngày 20-4, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 4.266 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 200.210 người. Theo đó, quốc gia châu Âu này có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Hãng Reuters cho biết, Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 399 ca tử vong, giảm hơn so với con số 410 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 20.800. Tuy số ca nhiễm vẫn tăng cao nhưng số ca tử vong đang giảm dần, mang lại sự lạc quan cho chính phủ trong việc khống chế dịch bệnh.
Trước đó, các quan chức y tế Tây Ban Nha cho rằng, “đường cong” dịch bệnh đang bị phá vỡ bởi Madrid đang đi đúng hướng. Thủ tướng Pedro Sánchez dự kiến kéo dài lệnh phong tỏa đến ít nhất ngày 9-5 mặc dù biện pháp nghiêm ngặt như thế đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ tư của Liên minh châu Âu (EU). Theo Reuters, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha có thể lên đến 21,7% trong năm nay, tăng gần 14%.
Tại Đức, từ ngày 20-4, nước này bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hãng AFP cho hay, chính phủ cho phép mở lại các cửa hàng có diện tích không quá 800m2.
Các cửa hàng bán ô-tô, xe đạp và nhà sách được mở cửa mà không cần xem xét diện tích. Các trường học cũng được dần mở cửa. Song, các nhà chức trách vẫn khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, không gặp gỡ trên hai người ở nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m. Đức hiện có hơn 139.800 ca nhiễm và gần 4.300 ca tử vong.
Tâm dịch lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, với hơn 759.000 ca nhiễm và 40.600 ca tử vong. Ngày 19-4 (giờ Washington), Mỹ ghi nhận thêm ít nhất 24.400 ca nhiễm và 1.700 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
BÌNH YÊN