Trung Đông đón tháng Ramadan với nỗi lo Covid-19

.

Người Hồi giáo trên khắp Trung Đông sắp bước vào tháng Ramadan với nỗi lo Covid-19 lây lan. Mỗi ngày trôi qua, các quốc gia ở khu vực này ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm mới.

Một trung tâm mua sắm ở thủ đô Tehran của Iran được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Iran hiện có hơn 82.200 ca nhiễm và 5.100 ca tử vong. Ảnh: Reuters
Một trung tâm mua sắm ở thủ đô Tehran của Iran được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Iran hiện có hơn 82.200 ca nhiễm và 5.100 ca tử vong. Ảnh: Reuters

Tháng Ramadan linh thiêng nhất của người Hồi giáo được bắt đầu vào cuối tuần này và kết thúc với các lễ hội Eid al-Fitr. Đây là thời gian dành cho gia đình và hoạt động gặp gỡ cộng đồng, sám hối. Nhiều hoạt động thiện nguyện và cầu nguyện tập thể cũng diễn ra trong tháng Ramadan. Tuy nhiên, năm nay, không khí ảm đạm bởi mọi hoạt động đều phải ngừng lại; hàng triệu người trên khắp Trung Đông, từ Saudi Arabia, Lebanon đến các khu vực chiến sự ở Iraq và Yemen hiện trong tình trạng phong tỏa vì lo ngại dịch bệnh lây lan.

Hãng AFP cho biết, Hội đồng Giáo sĩ Cấp cao Saudi Arabia (CSS) - cơ quan tôn giáo cao nhất của quốc gia này - kêu gọi tín đồ Hồi giáo trên thế giới cầu nguyện tại nhà trong tháng lễ Ramadan. Từ tháng 2, chính phủ Saudi Arabia đã áp dụng lệnh cấm tạm thời với người hành hương đến các đền thờ Hồi giáo ở Mecca và Medina. Cuộc hành hương lớn hơn, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, cũng sẽ bị hủy bỏ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc giục các nước Hồi giáo ngừng tụ tập đông người ở những nơi liên quan đến hoạt động của tháng Ramadan; đồng thời tìm kiếm các biện pháp thay thế cho hoạt động tập trung đông người. WHO cũng đưa ra hàng loạt khuyến cáo khác để các nước Hồi giáo xem xét, cân nhắc nhằm giảm thiểu dịch bệnh lây lan như: thực hiện nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội trong tất cả hoạt động tập thể, mỗi người phải cách nhau tối thiểu 1m; lựa chọn cách thức chào hỏi không đụng chạm trực tiếp giữa các tín đồ; tổ chức các hoạt động tại những nơi thông thoáng ngoài trời… Hãng AFP dẫn lời công dân Younes (51 tuổi), làm việc tại một cửa hàng áo quần tại thủ đô Damascus (Syria) bày tỏ: “Năm nay, không lễ hội, không viếng thăm… Tôi cảm thấy virus đang bao vây chúng ta ở bất kỳ nơi đâu”.

Tại Iran, dù có đến hơn 82.200 ca nhiễm và 5.100 ca tử vong, nước Cộng hòa Hồi giáo - một trong những vùng tâm dịch lớn nhất Trung Đông - bắt đầu mở cửa các đường cao tốc liên tỉnh và trung tâm mua sắm lớn từ ngày 20-4 nhằm kích thích nền kinh tế vốn đang chịu các biện pháp trừng phạt. Trong lúc đó, có những quan ngại rằng việc mở cửa như thế sẽ có thể dẫn đến làn sóng Covid-19 thứ hai. Song, các nhà hàng, phòng gym, nhiều địa điểm khác vẫn đóng cửa. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, người dân Iran đối mặt với lựa chọn khó khăn: nguy cơ nhiễm bệnh hay khó khăn về kinh tế. Có lẽ đó là lý do để Iran hạ thấp nguy cơ khủng hoảng trong nhiều tuần qua, mặc dù ngay cả các quan chức cấp cao của chính phủ nước này đã nhiễm bệnh. Số ca nhiễm và tử vong ở Iran được cho là có thể cao hơn những con số mà chính phủ công bố. Theo AP, lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cũng kêu gọi người dân cầu nguyện tại nhà trong tháng Ramadan.

Ở Israel, với hơn 13.400 ca nhiễm và 172 ca tử vong, chính phủ bắt đầu nới lỏng dần lệnh phong tỏa kể từ ngày 19-4 bằng việc cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại nhưng các chợ lớn, trung tâm mua sắm và trường học vẫn đóng cửa. Thống kê của Bộ Y tế Israel cho thấy tỷ lệ nhiễm đang giảm dần trong 2 tuần qua. Lúc ở đỉnh dịch, số ca nhiễm mới tại Israel ngày 31-3 là 741 ca, nhưng con số này trong ngày 17-4 chỉ 217 ca.

Tại Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi quyết định mở cửa khẩu Rafah ở biên giới với dải Gaza trong vòng một tháng, cho phép người Palestine đi qua biên giới trong tháng lễ Ramadan. Ai Cập hiện có hơn 3.000 ca nhiễm và 224 ca tử vong. Nước này từ đầu tháng 4 cấm tụ tập đông người tại những địa điểm tín ngưỡng công cộng trong tháng Ramadan.

THIÊN BÌNH

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.