Không có được ứng dụng dẫn đường và phần mềm của Google, cuộc chinh phục thị trường điện thoại thông minh của Huawei đang gặp khó.
Biểu tượng của Huawei tại văn phòng của tâp đoàn Huawei ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau khi bị Mỹ áp lệnh cấm mua công nghệ Mỹ, tập đoàn Huawei đã nhận ra có nhiều việc cần phải làm. Nhưng đây là quãng thời gian khó khăn khi tập đoàn công nghệ của Trung Quốc buộc phải tìm ra cách thức thay thế Google, hãng mà Huawei đã dựa vào trong một thập kỷ qua.
Không có được ứng dụng dẫn đường và phần mềm của Google vốn là đặc tính của điện thoại thông minh (smartphone) trên thế giới, cuộc chinh phục từng được coi là không có điểm dừng của Huawei giờ đang tan vỡ.
Nhìn tổng thể, nhu cầu đối với smarthphone trên thế giới hứng chịu mức giảm kỉ lục trong quý 1 do dịch Covid-19 hủy hoại kinh tế thế giới, gây đảo lộn chuỗi cung. Số lượng smartphone mà Huawei xuất khỏi Trung Quốc giảm 35%, mức giảm gấp đôi so với Samsung và gấp bốn lần so với Apple. Bước thụt lùi này đe dọa vị trí hãng điện thoại lớn thế hai thế giới mà Huawei nỗ lực phấn đấu mới đạt tới.
Lệnh cấm các nhà cung ứng Mỹ bán thiết bị, công nghệ cho Trung Quốc vẫn là cú đánh uy lực nhất mà chính quyền Trump nhằm vào Huawei. Huawei đối phó lại bằng cách sắp xếp lại chuỗi cung của mình để lách khỏi lệnh cấm của Mỹ, phát triển chíp của riêng mình và thay thế nhiều cấu thành, bộ phận khác. Hãng công nghệ này cũng tiếp tục ký kết nhiều hợp động xây dựng mạng 5G trên toàn cầu.
Thế nhưng việc thay thế vai trò của Google đã trở nên khó khăn hơn. Hệ điều hành Android của Google, đang được cài đặt trên 80% điện thoại thông minh, là hệ thống vận hành theo mã nguồn mở. Điều này có nghĩa các thiết bị của Huawei vẫn có thể sử dụng Android. Thế nhưng các ứng dụng của Google và nhiều phần mềm tiện ích khác đã bị giới hạn với Huawei sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm đối với các nhà cung cấp hồi tháng 5/2019.
Huawei đang phát triển các thiết bị với gói phần mềm tự chủ được biết dưới tên gọi Huawei Mobile Services. Ứng dụng này có các giải pháp thay thế, như trình duyệt web thay thế cho trình duyệt Chrome của Google hay ứng dụng thư điện tử thay thế Gmail.
Kho ứng dụng AppGallery của Huawei được phát triển với ý định thay thế Google Play, nhưng lệnh cấm của Mỹ đông nghĩa với việc ứng dụng này không có các lựa chọn phổ biến đối với người dùng như Facebook hay YouTube của Google. Huwei cho biết hãng này đã tuyển dụng hơn một triệu nhà phát triển để sản xuất các chương trình cho AppGallery.
Năm ngoái, Huawei mở bán hai mẫu smartphone át chủ bài là P40 và Mate-30, chạy trên phần mềm do hãng tự chủ. Thị phần của Huawei tại Trung Quốc tăng vào thời gian đó. Nhưng người tiêu dùng ở nhiều nơi khác thì cho rằng ứng dụng Google rất khó để thay thế và họ giảm quan tâm đến các lựa chọn thay thế mà Huawei tung ra.
Để hàng bán chạy, Huawei tuyên bố đang đưa ra nhiều chương trình kích thích để tuyển mộ chuyên gia phát triển ứng dụng, trong đó có ứng dụng quảng cáo trong kho ứng dụng của mình. Hãng này cho biết AppGallery, được khai trương tại Trung Quốc năm 2011 và giới thiệu ra toàn cầu năm 2018 hiện đã có hơn 400 triệu người dùng.
Neil Mawston, Giám đốc điều hành tại hãng tư vấn Strategy Analytics cho rằng, ít nhất khoảng 90% số người dùng này là ở Trung Quốc. Đánh giá của Mawston và tuyên bố của Huawei cho thấy một thực tế khác đã diễn ra trước đó. Google rời Trung Quốc năm 2010 sau khi chính phủ gây sức ép với tập đoàn công nghệ này về giám sát kết quả tìm kiếm. Người tiêu dùng Trung Quốc vì thế phải làm quen với ứng dụng thay thế tương thích với các sản phẩm của Google.
Doanh số bán hàng giảm sút tại các thị trường ngoài Trung Quốc đang đảo ngược xu hướng tăng trưởng mà Huwei từng có được tại nhiều thị trường như Tây Âu, nơi mà hãng công nghệ của Trung Quốc đã đánh bật Apple để giành lấy vị trí thứ hai trước khi bị đẩy xuống thứ ba sau khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.
Theo Báo Tin tức