Mỹ cho WHO 30 ngày để 'sửa sai'

.

Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: Nếu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không cam kết tiến hành những cải cách đáng kể trong vòng 30 ngày tới, Mỹ sẽ cắt viện trợ vĩnh viễn và xem xét lại tư cách thành viên của Washington trong tổ chức này.

Học sinh THPT ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) được xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường hồi đầu tháng 5. Các ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, sau đó lan ra các tỉnh, thành khác của Trung Quốc và thế giới. Ảnh: Reuters
Học sinh THPT ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) được xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường hồi đầu tháng 5. Các ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, sau đó lan ra các tỉnh, thành khác của Trung Quốc và thế giới. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa Mỹ - WHO - Trung Quốc một lần nữa dấy lên trong lúc Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) - cơ quan thuộc WHO tổ chức họp trực tuyến trong hai ngày 18 và 19-5 nhằm tìm phản ứng thống nhất đối với đại dịch Covid-19. Theo hãng AFP, trong bức thư dài 4 trang ghi ngày 18-5 gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: WHO có 30 ngày để “sửa sai”, hoặc Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.

Hơn 4,8 triệu ca mắc Covid-19

Hãng CNN dẫn thống kê của WHO cho biết, tính đến ngày 19-5, trên thế giới có hơn 4,8 triệu người mắc Covid-19 và 318.000 người tử vong. Trong đó, Mỹ có 1,5 triệu người mắc và 90.000 người tử vong, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đối mặt với nhiều sức ép trong nước, ông Trump nhiều lần quy trách nhiệm cho WHO, cho rằng cơ quan y tế này đã đưa ra “nhiều khuyến cáo kém”, “thiên vị” Trung Quốc và chậm trễ trong ứng phó với Covid-19.

Bức thư nói trên của Tổng thống Trump nêu rõ: Theo quy định của quốc tế, các nước phải thông báo về rủi ro của tình trạng khẩn cấp về y tế trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thông báo với WHO về các ca viêm phổi ở Vũ Hán mà không rõ nguồn gốc cho tới ngày 31-12-2019, mặc dù cường quốc châu Á này biết về các ca nhiễm nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước đó.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, WHO còn đưa ra nhiều thông tin sai. Chẳng hạn, ngày 14-1, WHO tái khẳng định thông tin từ Trung Quốc rằng SARS-CoV-2 không thể lây từ người sang người. Ngày 22-1, ông Tedros nói rằng, SARS-CoV-2 không gây lo ngại về tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế. Song, ngày 30-1, trước những chứng cứ về việc virus lây lan trên khắp thế giới và lây từ người sang người, ông Tedros thay đổi quyết định, tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Đến ngày 11-3, khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, thế giới đã có hơn 120.000 người nhiễm và 4.000 người tử vong ở 114 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Tổng thống Trump nhận định: WHO luôn khen Trung Quốc minh bạch, nhưng Washington hoài nghi về sự minh bạch của Bắc Kinh xung quanh phản ứng với đại dịch. Ông Trump từng tuyên bố có bằng chứng SARS-CoV-2 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên. Đến nay, các nhà khoa học khẳng định, tất cả bằng chứng cho thấy virus đã lây từ động vật sang con người.

“Mỹ không được đối xử công bằng”

Trong thư, ông chủ Nhà Trắng cũng dẫn trường hợp cựu Tổng Giám đốc WHO, bà Harlem Brundtland, lúc đương nhiệm đã thể hiện hiệu quả của tổ chức y tế này khi ứng phó với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Lúc đó, bà Harlem ban hành khuyến cáo đi lại khẩn cấp, chỉ trích Trung Quốc che giấu dịch bệnh… Theo Tổng thống Trump, trong đại dịch Covid-19, nhiều người có thể được cứu sống nếu ông Tedros theo cách làm của bà Harlem. “Cách duy nhất với WHO lúc này là chứng tỏ sự độc lập với Trung Quốc”, ông Trump nói và khẳng định “sẽ không cho phép tiền thuế của người Mỹ tiếp tục cấp cho một tổ chức mà trong tình trạng hiện nay không phục vụ lợi ích của nước Mỹ”.

Mỹ chi khoảng 450 triệu USD mỗi năm cho WHO. Song, theo ông Trump, Mỹ không được đối xử công bằng. Trong cuộc họp báo tối 18-5 tại Nhà Trắng (sáng 19-5, giờ Việt Nam), ông Trump cũng chỉ trích WHO và xác nhận đang cân nhắc giảm hoặc ngừng hỗ trợ cho tổ chức này.

Trong cuộc họp của WHA, WHO kêu gọi điều tra về phản ứng đối với Covid-19, thay vì chờ WHA bỏ phiếu thông qua có tiến hành điều tra hay không. Tổng Giám đốc Tedros thừa nhận những thiếu sót và hoan nghênh việc kêu gọi điều tra. “Liên minh” gồm châu Phi, châu Âu và các nước khác ủng hộ “sự đánh giá toàn diện” về phản ứng với Covid-19, nhưng không xem xét các vấn đề đang gây tranh cãi như nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Trung Quốc góp 2 tỷ USD cho WHO

Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người Mỹ Alex Azar cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thất bại trong việc thu thập thông tin mà thế giới cần và sự thất bại này khiến nhiều người tử vong. Theo vị quan chức Mỹ, đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận vì sao Covid-19 lại vượt tầm kiểm soát.

Trong khi đó, hãng AFP cho hay, phát biểu với báo giới ở Bắc Kinh ngày 19-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi “một số chính trị gia Mỹ ngừng đổ lỗi và hãy cùng nhau đánh bại Covid-19”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết góp 2 tỷ USD trong 2 năm tới để giúp ứng phó với Covid-19. Khoản tiền này gần bằng toàn bộ ngân sách hoạt động của WHO trong năm 2019 và đủ bù đắp số tiền thiếu hụt do Mỹ ngừng viện trợ 400 triệu USD mỗi năm.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.