Đàm phán thương mại hậu Brexit: Anh và EU khó nhượng bộ

.

Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn hậu Brexit, quan hệ giữa Anh với thị trường chung khổng lồ của khối 27 thành viên sẽ không có ràng buộc gì để bảo vệ việc làm và quyền lợi của doanh nghiệp hai bên. Song, cả hai khó nhượng bộ nhau dù đã qua 4 vòng đàm phán.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kiên quyết bảo vệ quan điểm không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, dự kiến kết thúc vào ngày 31-12 tới. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Boris Johnson kiên quyết bảo vệ quan điểm không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, dự kiến kết thúc vào ngày 31-12 tới. Ảnh: AP

Anh và Liên minh châu Âu (EU) bước vào vòng đàm phán thứ tư vào ngày 2-6 về mối quan hệ thương mại song phương hậu Brexit. Đàm phán kết thúc vào ngày 3-6 mà không có tiến triển nào. Trước khi đàm phán diễn ra, không ai ở London hay Brussels kỳ vọng về sự đột phá. Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost và người đồng cấp EU Michel Barnier vẫn giữ những quan điểm khác biệt, đồng thời theo đuổi hàng loạt thỏa thuận trong các lĩnh vực riêng biệt như: thương mại, thủy sản, hàng không và năng lượng. Mỗi lĩnh vực như vậy lại vấp phải rào cản vì không ai chịu nhượng bộ.

Hãng AFP cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để quyết định những bước tiếp theo. Dù hai bên sẵn sàng cho một cuộc gặp cấp cao như thế nhưng có nguy cơ cao Anh sẽ chính thức kết thúc giai đoạn chuyển tiếp mà không có thỏa thuận thương mại.

Ngày 2-6, ông James Slack - người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson - bác bỏ đề nghị thỏa hiệp. Anh chính thức rời EU vào ngày 31-1 vừa qua, nhưng vẫn tuân theo các quy định của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới ngày 31-12. Anh không muốn kéo dài giai đoạn chuyển tiếp và việc đạt được một thỏa thuận thương mại trong 6 tháng còn lại của năm nay là nhiệm vụ bất khả thi. Nếu kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, Anh vừa phải đóng góp nghĩa vụ tài chính, vừa tuân thủ hầu hết các quy định của EU mà không có tiếng nói gì.

Hãng Bloomberg dẫn lời các nhà quan sát nhận định, Anh sẵn sàng rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan EU. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận thương mại, các doanh nghiệp sẽ gánh “thiệt đơn, thiệt kép” vì bắt buộc trở lại quy định thuế quan, trong lúc phải xoay xở với thiệt hại do Covid-19 gây ra. Thêm vào đó, dự báo kinh tế Anh có thể sẽ suy giảm 14% trong năm nay, theo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Nước Anh đang phải ứng phó với Covid-19.  Trong ảnh: Taxi chờ khách bên ngoài nhà ga số 1 tại sân bay quốc tế Manchester ở Anh. Từ ngày 8-6, những người từ nước ngoài đến Anh, bao gồm cả công dân Anh về nước, phải thực hiện tự cách ly 14 ngày và cung cấp chi tiết về nơi sẽ lưu trú.  Ảnh: Getty Images
Nước Anh đang phải ứng phó với Covid-19. Trong ảnh: Taxi chờ khách bên ngoài nhà ga số 1 tại sân bay quốc tế Manchester ở Anh. Từ ngày 8-6, những người từ nước ngoài đến Anh, bao gồm cả công dân Anh về nước, phải thực hiện tự cách ly 14 ngày và cung cấp chi tiết về nơi sẽ lưu trú. Ảnh: Getty Images

Trên Twitter, ông Barnier cho rằng, tuần này sẽ thấy rõ ý định của Anh. Ông Barnier đã nhiều lần đề cập 4 điểm khác biệt giữa hai bên. Một là phía Anh không muốn đưa ra các quy tắc chung ràng buộc về pháp lý trong lĩnh vực cạnh tranh và kinh doanh. Hai là Anh không công nhận các quyết định của Tòa án Công lý châu Âu trên lãnh thổ nước mình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hợp tác giữa cảnh sát EU và Anh. Ba là Anh muốn ký kết một loạt thỏa thuận với EU về các lĩnh vực hợp tác khác nhau trong khi EU đề xuất tập hợp thành một thỏa thuận liên kết bao trùm toàn bộ.

Cuối cùng là vấn đề đánh bắt cá, Anh muốn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, nước này có thể kiểm soát vùng biển và cá của mình. Song, EU muốn giữ nguyên quy định hiện nay; theo đó, ngư dân của ít nhất 8 quốc gia thành viên có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và xem đây như một phần của một thỏa thuận thương mại tổng thể.

Thủ tướng Johnson sẽ phải quyết định Anh có giữ nguyên trạng các mối quan hệ với EU như hiện nay cho đến hết năm 2021 hay không. Đây là câu hỏi khó trong khi việc đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay với EU dường rất đỗi xa vời. Theo một quan chức chính phủ Anh, ông Johnson luôn tỏ rõ quan điểm: Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6-2016 có ý nghĩa rằng Vương quốc Anh nên hoàn toàn độc lập với EU.

Cả 4 vòng đàm phán đều không đạt được tiến triển. EU cho rằng, Anh chỉ tập trung vào các vấn đề mà xứ sở sương mù quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên EU. Anh bác bỏ chỉ trích này và khẳng định London giữ nguyên cam kết tìm kiếm thỏa thuận tự do thương mại là mục đích quan trọng chính yếu. Phía Anh đề nghị hai bên cần áp dụng nguyên tắc sân chơi bình đẳng cho “một cuộc chơi công bằng và cởi mở”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.